Angimex muốn thanh lý tài sản, vay thêm tiền để trả nợ trái phiếu
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường 2022 của CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex, HOSE: AGM), đại hội thông qua nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới hoạt động của Công ty. Nổi bật nhất là phương án thanh lý tài sản để xử lý mất cân đối vốn 225 tỷ đồng và trả nợ trái phiếu gần 604 tỷ đồng.
Mục tiêu có lãi trong năm 2023
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của AGM (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: AGM |
Năm 2022, Angimex ước tính doanh thu gần 3,607 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước (3,925 tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế ghi nhận lỗ 75 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 58 tỷ đồng.
Sang năm 2023, Angimex đặt kế hoạch doanh thu 4,011 tỷ đồng, tăng 11.2% so với ước tính thực hiện năm 2022 và lợi nhuận trước thuế ước lãi 10 tỷ đồng.
Thanh lý tài sản để xử lý mất cân đối vốn 225 tỷ đồng
Tính tới ngày 31/12/2022, tổng tài sản ngắn hạn của Angimex là 370 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là 595 tỷ đồng, cân đối thiếu 225 tỷ đồng. Angimex cho biết việc mất cân đối vốn trên do Công ty nhận chuyển nhượng mua đất, kho ở Đồng Tháp và Tri Tôn (196.6 tỷ đồng); mua 19% vốn tại Công ty TNHH Angimex Furious (32.3 tỷ đồng).
Theo kế hoạch năm 2022, Angimex dự kiến phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ để bù đắp thiếu hụt 225 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khách quan, Công ty chưa phát hành cổ phiếu như kế hoạch dự kiến dẫn tới mất cân đối dự kiến 225 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022, Angimex đã hủy phương án chào bán cổ phiếu. Thay vào đó, HĐQT thông qua phương án xử lý mất cân đối vốn bằng cách thanh lý các tài sản của Angimex.
Kế hoạch xử lý mất cân đối vốn của AGM Nguồn: AGM |
Theo đó, Công ty dự kiến sẽ thanh lý các tài sản để bổ sung vốn lưu động ở 9 phân xưởng, nhà máy, kho (với tổng diện tích 40,542.6 m2, giá sổ sách 127.2 tỷ đồng và giá bán dự kiến 240 tỷ đồng). Nếu thực hiện bán thành công, Công ty sẽ bổ sung thêm được 240 tỷ đồng vào vốn lưu động.
Dừng kế hoạch nâng vốn điều lệ lên hơn 837 tỷ đồng
Tại Đại hội, Angimex thông qua việc dừng thực hiện đối với các phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, năm 2021 và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Đáng chú ý, Công ty cũng thông qua việc dừng phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Angimex cho biết việc trả cổ tức năm 2022 và trả cổ tức năm 2021 sẽ trình ĐHĐCĐ xem xét vào cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.
Vào giữa tháng 3/2022, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, cổ đông AGM đã thông qua việc phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ chi trả 30%; phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức 2021 với tỷ lệ 32%; và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 68%. Tổng tổng tỷ lệ cổ phiếu phát hành thêm là 130% (tương ứng 23.66 triệu cp), đồng nghĩa vốn điều lệ của AGM sẽ tăng gấp 2.3 lần, lên gần 419 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sau khi phát hành cổ phiếu thưởng, Angimex sẽ tổ chức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá phát hành dự kiến là 16,500 đồng/cp. Nếu đợt phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của AGM sẽ được nâng lên hơn 837 tỷ đồng, tăng 4.6 lần so với vốn điều lệ hiện tại.
Thanh toán gốc và lãi của hai lô trái phiếu gần 604 tỷ đồng
Về kế hoạch xử lý các gói trái phiếu đã phát hành, Angimex cho biết Công ty đã phát hành 2 gói trái phiếu trong năm 2021 và 2022.
Với lô trái phiếu AGMH2123001, mệnh giá 350 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm, kỳ hạn 24 tháng và đáo hạn ngày 09/11/2023; Angimex đã nhận được văn bản của trái chủ đề nghị mua lại trước hạn.
Với lô trái phiếu AGMH2223001, mệnh giá 300 tỷ đồng, Công ty đã mua lại trước hạn gần 90 tỷ đồng, dư nợ còn lại 210 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn ngày 14/09/2023 và lãi suất 7%/năm. Với tình hình hiện tại, Angimex đánh giá khả năng trái chủ yêu cầu mua lại trước hạn tại thời điểm tròn 12 tháng kể từ ngày phát hành.
Angimex cho biết, sau sự kiện ông Đỗ Thành Nhân bị khởi tố từ tháng 4/2022, tình hình tài chính của Công ty gặp nhiều khó khăn. Trước yêu cầu của các trái chủ, Công ty trình cổ đông phương án xử lý việc thanh toán khoản gốc và lãi cho trái phiếu đã phát hành như sau:
Đối với trái phiếu mã AGMH2123001, Công ty dự kiến sẽ xử lý một số tài sản bảo đảm của trái phiếu để lấy tiền trả lãi và gốc với tổng số tiền gần 379 tỷ đồng.
Đối với trái phiếu mã AGMH2223001, Angimex dự kiến dùng nguồn vốn của Angimex; xử lý tài sản bảo đảm của lô trái phiếu; vay trung – dài hạn; thanh lý tài sản không dùng, các kho đang dừng hoạt động để trả tổng cộng gốc và lãi vay gần 225 tỷ đồng.
Ước tính Angimex sẽ phải tìm kiếm nguồn tiền trả gốc và lãi của hai lô trái phiếu gần 604 tỷ đồng.
“Thay máu” lãnh đạo
Tại cuộc họp, Angimex đã miễn nhiệm hai thành viên HĐQT là ông Nghiêm Hải Anh và ông Vũ Ngọc Long và bầu thay thế hai thành viên là ông Phạm Trung Kiên và ông Nguyễn Đồng Giang.
Ngoài ra, Angimex cũng thông qua việc miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021-2025 là bà Huỳnh Thị Kim Oanh. Người được bầu thay thế vào vị trí này là ông Huỳnh Minh Phương.
Trước đó, ông Nghiêm Hải Anh có đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT từ ngày 27/12/2022. Ông Vũ Ngọc Long có đơn từ nhiệm từ ngày 09/12/2022.
Thông tin khác, vào ngày 16/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố tám bị can, trong đó có ông Vũ Ngọc Long liên quan tới vụ thao túng chứng khoán tại Louis Holdings. Bên cạnh vai trò tại AGM, ông Vũ Ngọc Long còn đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Louis Holdings từ tháng 4/2022, thay thế cho ông Đỗ Thành Nhân.
Ngay sau ĐHĐCĐ bất thường năm 2022, Angimex công bố thông tin về việc việc bổ nhiệm ông Lê Tiến Thịnh, thành viên HĐQT giữ chức Chủ tịch HĐQT Angimex trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2021 - 2025, kể từ ngày 29/12/2022.