Bảo hiểm Bảo Minh thu về 150 tỷ đồng lãi ròng 6 tháng
Lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm tăng mạnh nhưng lợi nhuận hoạt động tài chính và bất động sản đầu tư đều sụt giảm khiến lãi ròng bán niên của Tổng CTCP Bảo Minh (HOSE: BMI) không thể bứt phá.
Báo cáo tài chính quý 2/2024 của BMI cho thấy hoạt động kinh doanh bảo hiểm có lợi nhuận tăng 39% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 125 tỷ đồng, chủ yếu nhờ doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt hơn 3,135 tỷ đồng, tăng 16%, trong khi chi phí kinh doanh bảo hiểm phần lớn là bồi thường bảo hiểm cùng chi phí khác đều tăng thấp hơn doanh thu.
Tuy nhiên, lợi nhuận hoạt động tài chính và bất động sản đầu tư lần lượt giảm 36% và 20% so với cùng kỳ, còn gần 30 tỷ đồng và 2 tỷ đồng. Mặt khác, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 32% lên hơn 60 tỷ đồng.
Đây là các yếu tố chính khiến lãi ròng BMI chỉ tăng 4% so cùng kỳ, lên hơn 77 tỷ đồng, dù hoạt động kinh doanh chính ghi nhận kết quả khả quan.
Lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính của BMI trong nửa đầu năm 2024 | ||
Tương tự, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm tăng 24% so với cùng kỳ lên hơn 210 tỷ đồng nhưng lợi nhuận hoạt động tài chính và bất động sản đầu tư đều sụt giảm trong khi chi phí quản lý tăng mạnh dẫn đến lãi ròng đạt hơn 150 tỷ đồng, gần như đi ngang so cùng kỳ.
Lãi ròng nửa đầu năm 2024 của BMI | ||
Năm 2024, BMI dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 377 tỷ đồng, tương đương thực hiện 2023. So với kế hoạch, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thực hiện được 50% mục tiêu lợi nhuận sau nửa đầu năm.
Tổng tài sản của BMI tính đến ngày 30/06/2024 gần 7,130 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu năm. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn (chiếm gần phân nửa tổng tài sản) và đầu tư tài chính dài hạn (gần 301 tỷ đồng) tăng 15% so với đầu năm.
Danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn của BMI chủ yếu bao gồm cổ phiếu (hơn 109 tỷ đồng) và đầu tư khác (3,440 tỷ đồng). Khoản đầu tư tài chính dài hạn phần lớn là đầu tư vào công ty liên doanh liên kết (hơn 145 tỷ đồng), cổ phiếu (58 tỷ đồng) và đầu tư khác (101 tỷ đồng).
Nợ phải trả chủ yếu là nợ ngắn hạn gần như không đổi so với đầu năm, với hơn 4,410 đồng. Trong đó, dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm hơn 3,213 tỷ đồng, tăng 6%.