Kỹ thuật ECMO hồi sinh nhiều bệnh nhi
Trước khi có kỹ thuật ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo), hầu hết các trường hợp viêm cơ tim tối cấp đều tử vong; nay đã khác...
Khoa Hồi sức tích cực được xem là phao cứu sinh cuối cùng đối với những bệnh nhân nặng. Tại đây, hầu hết những phương pháp tối ưu sẽ được thực hiện để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Có những bệnh cảnh nặng, tỉ lệ tử vong 100% khiến y, bác sĩ bất lực. Tuy nhiên, từ khi kỹ thuật ECMO được triển khai đã liên tiếp cứu sống nhiều ca bệnh tưởng chừng như vô phương cứu chữa. Thành công này mở ra nhiều cơ hội sống cho người bệnh, đồng thời cho thấy sự sáng tạo, tận tâm vì người bệnh của đội ngũ thầy thuốc.
Chạy đua với thời gian giành mạng sống cho trẻ
Gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp viêm cơ tim cấp. May mắn, các ca bệnh đã hồi sinh kịp thời nhờ can thiệp ECMO.
Trường hợp thứ nhất là bé trai N.Q.B (11 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) được Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) chuyển đến cấp cứu trong tình trạng tím tái, rối loạn nhịp, ngưng tim với chẩn đoán viêm cơ tim cấp. GS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện, cho biết bé trai nhập viện mùng 3 Tết Nguyên đán Quý Mão. Các bác sĩ lập tức kích hoạt báo động đỏ liên khoa để cứu sống bé.
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu giúp thở, xoa bóp tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhi. Bác sĩ Khoa Tim mạch đặt máy tạo nhịp tạm thời để duy trì nhịp tim cho B. Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc chạy đua với thời gian, thực hiện kỹ thuật ECMO. Để bảo vệ não và điều trị tổn thương gan thận cho bệnh nhi, bác sĩ đã hạ thân nhiệt và lọc máu liên tục cho em.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM (trái), cùng PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM tặng quà chúc mừng bệnh nhi N.Q.B cùng gia đình
Theo bác sĩ Quang, sau khoảng 15 phút cấp cứu, bệnh nhi B. từ tình trạng tím tái, trụy tim mạch đã hồng hào trở lại. Tuy nhiên, trong 1 tuần sau đó, tim B. đập rất yếu kèm loạn nhịp liên tục, các bác sĩ phải dùng thuốc trợ tim, chống loạn nhịp. Sau gần 12 ngày chạy ECMO, tình trạng sức khỏe của B. cải thiện dần và được cai ECMO. Hiện bệnh nhi ăn uống được, tỉnh táo, hồng hào và chuẩn bị xuất viện.
Trường hợp thứ 2 cũng bị tình trạng tương tự, nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1 sau đó 1 tuần. Bệnh nhi là bé trai 12 tuổi (ngụ Củ Chi, TP HCM), bị đau ngực, khó thở. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé được chuyển đến Khoa Tim mạch điều trị. Tuy nhiên, tình trạng bé chuyển xấu vì suy tim, loạn nhịp nên được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực chống độc.
"Chúng tôi vừa điều trị vừa run. Nếu tình trạng bé chuyển nặng thì không còn máy ECMO. Vì thời điểm đó, cả 3 máy tại bệnh viện đều điều trị cho 3 bệnh nhân. May mắn, bé trai 11 tuổi đáp ứng tốt với phác đồ điều trị và sau 9 ngày thì được cai ECMO. Lúc này, tình trạng của bé trai 12 tuổi chuyển nặng, phải can thiệp ECMO. Vì vậy, bé này vừa cai máy buổi sáng thì buổi chiều được chuyển sang bé kia. May mắn cả hai đều qua cơn nguy kịch, hồi phục tốt" - bác sĩ Quang kể.
Hàng chục trẻ mắc bệnh nguy kịch được cứu sống
Theo bác sĩ Quang, viêm cơ tim tối cấp là bệnh cảnh rất nặng, xảy ra sau nhiễm siêu vi đường hô hấp hoặc tiêu hóa, gây trụy tim mạch, rối loạn nhịp tim dẫn tới tử vong nhanh chóng. "Phần lớn viêm cơ tim nếu nhẹ thì chỉ cần theo dõi và tự hồi phục. Trường hợp viêm cơ tim nhẹ thì tỉ lệ tử vong khoảng 30%-40%, riêng viêm cơ tim tối cấp tỉ lệ tử vong 100%. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời, được can thiệp ECMO, khả năng cứu sống trên 80%. Trong đó, quan trọng nhất khi trẻ được điều trị thành công cũng không để lại di chứng" - bác sĩ Quang nhấn mạnh.
Bác sĩ Quang cho biết viêm cơ tim cấp thường do virus gây ra, phổ biến là virus Coxsackie nhóm B. Triệu chứng của viêm cơ tim cấp thường không điển hình vì có những triệu chứng thông thường nên rất dễ bỏ sót. Khởi đầu, bệnh nhân có các triệu chứng giống cảm cúm như sốt nhẹ, mệt mỏi, ho, sổ mũi hoặc có triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn.
Phần lớn trẻ bị viêm cơ tim nhẹ thường chỉ theo dõi, điều trị triệu chứng, khỏi bệnh sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, trường hợp viêm cơ tim cấp nặng, trẻ xuất hiện các triệu chứng mệt, ngất, khó thở, đau ngực, tím tái, tay chân lạnh, rối loạn nhịp tim, trụy tim mạch… Trường hợp nặng sẽ phải hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc trợ tim, thuốc vận mạch, thuốc chống loạn nhịp tim, đặt máy tạo nhịp nếu cần thiết. Do đó, khi có các dấu hiệu nghi ngờ, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
"Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, từ khi được chuyển giao kỹ thuật ECMO, có nhiều bệnh nhân chuyển nặng cần can thiệp ở tuyến dưới đều được chuyển về đây. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp chuyển không tới, đường xa, diễn tiến nặng nên không thể cứu sống. Do đó, cần có những chẩn đoán sớm để chuyển viện cho trẻ kịp thời" - bác sĩ Quang nói.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, từ tháng 2-2019, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuyển giao kỹ thuật ECMO đối với bệnh nhân người lớn cho Bệnh viện Nhi Đồng 1 thực hiện cho trẻ em (kể cả sơ sinh). Đến nay, tại bệnh viện đã thực hiện tổng cộng 32 ca nguy kịch (ca nhỏ nhất 7 ngày tuổi) gồm các bệnh như: Viêm cơ tim; sau phẫu thuật tim; viêm phổi nặng; viêm phổi hít, sốc phản vệ… Trong đó, cứu sống hồi phục không di chứng 22 ca (chiếm 68%).
Với ứng dụng ECMO trong điều trị viêm cơ tim tối cấp ở trẻ em, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Chợ Rẫy cùng nhận giải thưởng thành tựu y khoa năm 2020.
Bác sĩ Hùng cho biết trước nhu cầu ngày càng nhiều ca bệnh mà trước đây gần như chắc chắn tử vong giờ được cứu sống nhờ kỹ thuật ECMO nên Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ tiếp tục mở rộng nhiều đối tượng bệnh nhân với các bệnh lý như sau phẫu thuật tim, sơ sinh… Đây cũng là cơ sở để bệnh viện tiếp tục phát triển các kỹ thuật chuyên sâu khác, góp phần xây dựng bệnh viện thành Trung tâm Điều trị tim mạch nhi chuyên sâu ngang tầm các nước trong khu vực.
Khen thưởng 6 tập thể y, bác sĩ
Trưa 20-2, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đã đại diện lãnh đạo UBND thành phố đến thăm và trao tặng bằng khen cho 6 tập thể, y - bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 vì đã nỗ lực gần 20 ngày cứu sống bé N.Q.B 11 tuổi bị viêm cơ tim cấp. Tham dự buổi lễ còn có PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cùng bé B. và gia đình.
Theo đó, 6 tập thể y, bác sĩ được khen thưởng gồm: Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Khoa Tim mạch, Khoa Ngoại tim mạch, Khoa Gây mê hồi sức và tập thể Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Quảng Trị: Lần đầu tiên cứu sống bệnh nhân viêm cơ tim cấp bằng kỹ thuật ECMO
Ngày 20-2, BS-CKI Hoàng Ngọc Huỳnh, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, cho biết đơn vị vừa triển khai thành công kỹ thuật ECMO, cứu sống một bệnh nhân nguy kịch.
Tối 12-2, bệnh nhân Nguyễn Thị H. (46 tuổi) được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trong tình trạng rối loạn nhịp tim, suy hô hấp. Bệnh nhân ban đầu được xử lý bằng thuốc chống loạn nhịp tim, đặt nội khí quản; đồng thời làm các siêu âm, xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.
Các y, bác sĩ Quảng Trị lần đầu tiên sử dụng kỹ thuật ECMO cứu sống bệnh nhân sốc tim
Nhận định đây là trường hợp bị viêm cơ tim tối cấp biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp, nguy cơ tử vong nếu không can thiệp kịp thời, các bác sĩ trong kíp trực hội chẩn nhanh và quyết định triển khai kỹ thuật ECMO ngay trong đêm. Việc triển khai có sự kết hợp, trao đổi chuyên môn với các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM).
Sau 5 ngày điều trị hỗ trợ tim phổi nhân tạo, tim phổi bệnh nhân đã dần hồi phục và rút được hệ thống ECMO. Đến nay, sau 8 ngày được điều trị tích cực, bệnh nhân đã phục hồi sức khỏe và chuẩn bị ra viện.
Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Huỳnh, hiện gần như chỉ các bệnh viện ở tuyến trung ương mới đủ năng lực triển khai kỹ thuật ECMO. Vì vậy, việc lần đầu triển khai thành công kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã khẳng định năng lực của các y, bác sĩ trong điều trị những bệnh nặng đến rất nặng trong thời gian tới.
Tin-ảnh: Đ.Nghĩa