Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 20/11/2023: Giá kim loại tăng mạnh thúc đẩy chỉ số hàng hoá MXV-Index
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, giá hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục có diễn biến phân hoá trong tuần vừa qua.
Đóng cửa tuần, lực mua chiếm ưu thế ở nhóm kim loại và nguyên liệu công nghiệp đã giúp chỉ số MXV-Index tăng 0,38% lên 2.185 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt gần 4.000 tỷ đồng mỗi ngày, tăng hơn 22% so với tuần trước đó.
Kỳ vọng Fed ngừng tăng lãi suất, giá kim loại quý bật tăng
Nhóm kim loại là điểm nhấn của thị trường trong tuần vừa qua với 7 trên 10 mặt hàng ghi nhận các mức tăng mạnh. Cụ thể, đối với kim loại quý, giá cả ba mặt hàng đồng loạt phục hồi trong sắc xanh. Trong đó, giá bạc dẫn dắt đà tăng của nhóm khi bật tăng 7,05%, đóng cửa tuần tại mức 23,85 USD/ounce. Đây cũng là tuần đánh dấu mức tăng mạnh nhất của giá bạc kể từ tháng 7/2023. Giá bạch kim cũng phục hồi 6,63%, dừng chân ở mức 901,7 USD/ounce.
Nhóm kim loại là điểm nhấn của thị trường trong tuần vừa qua với 7 trên 10 mặt hàng ghi nhận các mức tăng mạnh |
Theo MXV, tuần trước, dòng tiền quay lại thị trường kim loại quý nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất. Loạt dữ liệu kinh tế tiêu cực và lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ đã củng cố cho kỳ vọng này.
Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo và giảm tốc từ mức tăng 3,7% vào tháng 9. Về lạm phát tại cổng nhà máy, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 Mỹ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, hạ nhiệt nhanh so với mức tăng 2,2% của tháng 9 và thấp hơn 0,6 điểm phần trăm so với dự báo, cho thấy áp lực lạm phát tại Mỹ đang giảm.
Ngoài ra, doanh số bán lẻ tháng 10 của Mỹ giảm 0,1% so với tháng trước, đánh dấu mức giảm lần đầu tiên sau 7 tháng, phản ánh nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ chậm lại. Bên cạnh đó, sản lượng công nghiệp, sản lượng sản xuất tháng 10 của Mỹ đều giảm mạnh hơn so với dự báo.
Với việc lạm phát đang hạ nhiệt và các hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ giảm tốc, FED ngày càng có ít không gian để tiếp tục tăng lãi suất. Điều này đã kéo đồng USD suy yếu. Chỉ số Dollar Index giảm 1,84% về 103,92 điểm. Theo đó, nhà đầu tư phân bổ dòng tiền quay lại nhóm kim loại quý, mặt hàng vốn nhạy cảm với lãi suất và biến động tiền tệ.
Bảng giá Kim loại |
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi 4,22% lên 3,73 USD/pound. Giá quặng sắt nối dài đà tăng sang tuần thứ tư liên tiếp, chốt tuần tại mức 128,51 USD/tấn nhờ tăng 1,34%. Đà tăng của giá kim loại cơ bản cũng được thúc đẩy một phần nhờ đồng USD giảm giá. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế phục hồi cũng giúp giá đồng và giá quặng sắt được hưởng lợi.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) và các cơ quan quản lý tài chính đã cam kết hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực bất động sản và hợp tác giải quyết rủi ro nợ của chính quyền địa phương.
Giá dầu giảm 4 tuần liên tiếp
Kết thúc tuần giao dịch 13 - 19/11, giá dầu đánh dấu chuỗi giảm 4 tuần liên tiếp, trong đó có thời điểm chạm mức thấp nhất trong vòng hơn 4 tháng qua. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 1,66% xuống 75,89 USD/thùng. Dầu Brent chốt tuần với mức giá 80,61 USD/thùng sau khi giảm 1,01%.
Thị trường ghi nhận một số tín hiệu tích cực hơn về nguồn cung, trong khi sức tiêu thụ có dấu hiệu suy yếu. Điều này khiến giá dầu liên tục đối diện với sức ép, với 3 trong tổng số 5 phiên giảm giá trong tuần qua.
Bảng giá Năng lượng |
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giảm ước tính thâm hụt dầu trong báo cáo tháng 11 so với báo cáo tháng 10. Cụ thể, mức thâm hụt trong quý III đã được thu hẹp xuống chỉ còn 1 triệu thùng/ngày so với ước tính 1,4 triệu thùng/ngày trong báo cáo tháng 10. Trong quý IV, con số cũng được thu hẹp 70.000 thùng/ngày.
Nguyên nhân là do nguồn cung ngoài OPEC (non-OPEC) năm 2023 và 2024 được nhóm được điều chỉnh cao hơn khoảng 100.000 thùng/ngày so với ước tính trước đó. Sản lượng dầu thô nhóm OPEC tháng 10 cũng tăng 80.000 thùng/ngày so với tháng 9, đạt trung bình 27,9 triệu thùng/ngày.
Trong tuần qua, báo cáo tồn kho dầu của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng góp phần đẩy giá dầu lao dốc. Cơ quan này cho biết tồn kho dầu thương mại Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 10/11 tăng thêm 3,59 triệu thùng, cao hơn ước tính của Viện Dầu khí Mỹ (API) và dự báo của Reuters, làm dấy lên lo ngại về tình hình tiêu thụ có phần suy giảm.
Cũng làm tăng thêm mối lo ngại về nhu cầu, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết thông lượng lọc dầu của nước này đạt 63,93 triệu tấn trong tháng 10, tương đương 15,05 triệu thùng/ngày, thấp hơn so mức kỷ lục 15,48 triệu thùng/ngày trong tháng 9. Nhu cầu nhiên liệu công nghiệp suy yếu và biên lợi nhuận lọc dầu thu hẹp đã khiến các nhà máy lọc dầu cắt giảm hoạt động.
Đà giảm của giá dầu chỉ được thu hẹp trong phiên cuối tuần, khi các nhà đầu tư thận trọng trước thềm cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) ngày 26/11 tuần này. Hãng tin Reuters trích dẫn ba nguồn tin của OPEC+, cho biết nhóm sẽ xem xét cắt giảm nguồn cung dầu bổ sung sau khi giá giảm gần 20% kể từ cuối tháng 9. Ngân hàng Goldman Sachs cũng kỳ vọng OPEC+ sẽ hành động để hỗ trợ duy trì vùng giá 80 - 100 USD/thùng.
Giá một số hàng hóa khác
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp |
Bảng giá nông sản |