Giá dầu đi ngang do nỗi lo về nhu cầu
Giá dầu gần như đi ngang trong phiên giao dịch ngày thứ Hai khi nhà đầu tư vẫn còn lo lắng xung quanh tình trạng dư cung bất chấp các biện pháp cắt giảm của OPEC+ và tăng trưởng nhu cầu yếu hơn vào năm tới.
Hợp đồng dầu thô tương lai WTI giao tháng 1 tại Mỹ tăng 9 xu (tương ứng 0.13%) lên 71.32 USD/thùng.
Hợp đồng dầu thô tương lai Brent giao tháng 2 tăng 19 xu (tương ứng 0.25%) đóng cửa tại 76.03 USD/thùng.
Cả hai hợp đồng này đều nhảy vọt hơn 2% trong ngày thứ Sáu nhưng vẫn ghi nhận tuần giảm giá thứ 7 liên tiếp, chuỗi sụt giảm hàng tuần dài nhất kể từ năm 2018 do mối lo lắng dai dẳng về nguồn cung.
Bất chấp cam kết của OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô bớt tổng cộng 2.2 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm tới, các nhà đầu tư vẫn hoài nghi về mức độ tuân thủ cam kết này.
Tăng trưởng sản lượng ở các nước ngoài OPEC có thể dẫn đến tình trạng dư cung vào năm tới.
Các nhà phân tích cho biết, với việc các cam kết cắt giảm sản lượng chưa được thực hiện cho đến tháng sau, dầu thô phải đối mặt với 2 tháng biến động trước khi có bất kỳ dữ liệu tuân thủ định lượng nào rõ ràng.
Số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, cho thấy áp lực giảm phát gia tăng do nhu cầu trong nước suy yếu gây nghi ngờ về khả năng phục hồi của nền kinh tế nước này.
Các quan chức Trung Quốc hôm thứ Sáu cam kết sẽ thúc đẩy nhu cầu nội địa, củng cố và tăng cường phục hồi kinh tế vào năm 2024.
Tuần này, nhà đầu tư sẽ dõi theo các manh mối về chính sách lãi suất từ cuộc họp của 5 ngân hàng trung ương, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỳ (Fed), cũng như dữ liệu lạm phát của nước này để đánh giá tác động tiềm tàng đối với nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ.