Dầu giảm 2% vì lo ngại về kinh tế Trung Quốc
Giá dầu giảm vào ngày thứ Tư (31/05), chịu áp lực bởi đồng USD mạnh hơn và dữ liệu suy yếu từ Trung Quốc đã làm tăng lo ngại về nhu cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent lùi 1.11 USD xuống 72.60 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1.37 USD (tương đương 2%) còn 68.09 USD/thùng.
Tại mức đáy trong phiên, cả 2 hợp đồng dầu đều giảm hơn 2 USD xuống mức thấp nhất trong nhiều tuần. Vào ngày thứ Ba (30/05), hai hợp đồng dầu đều sụt hơn 4%.
Giá dầu sụt giảm sau khi dữ liệu của Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất giảm nhanh hơn dự báo trong tháng 5, do nhu cầu suy yếu đã làm giảm chỉ số PMI chính thức của ngành sản xuất từ 49.2 trong tháng 4 xuống còn 48.8 trong tháng 5, thấp hơn so với dự báo 49.4.
Chỉ số đồng USD nhận được hỗ trợ từ lạm phát hạ nhiệt ở châu Âu và tiến triển về dự luật trần nợ của Mỹ ở Quốc hội Mỹ.
Nếu dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua thì sẽ được gửi tới Thượng viện, nơi cuộc thảo luận có thể kéo dài đến cuối tuần.
Đồng USD mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua đang nắm giữ những đồng tiền khác.
Dữ liệu tại Mỹ cho thấy vị trí tuyển dụng việc làm bất ngờ tăng trong tháng 4, cho thấy sức mạnh bền bỉ trên thị trường lao động có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất vào tháng 6.
Nhà đầu tư sẽ theo dõi cuộc họp ngày 04/06 sắp tới của OPEC+, gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga. Các tín hiệu trái chiều của các nhà sản xuất chủ chốt về việc tiếp tục cắt giảm sản lượng đã gây biến động giá dầu, tuy nhiên, các ngân hàng HSBC và Goldman Sachs cũng như các chuyên gia phân tích dự báo OPEC+ sẽ không thông báo cắt giảm thêm nữa tại cuộc họp này.
HSBC cho biết nhu cầu dầu mạnh hơn từ Trung Quốc và phương Tây từ mùa hè trở đi sẽ dẫn đến tình trạng thâm hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay.
Tại Mỹ, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô tại mỏ trong tháng 3 đã tăng lên 12.696 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát làm giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu.