A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chặn thực phẩm bẩn vào TP HCM

Các nhà phân phối và nhà sản xuất bắt tay nói không với hàng hóa kém chất lượng, hướng đến xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho hàng Việt

Đúng 1 tháng sau khi 6 hệ thống phân phối lớn của TP HCM ký thỏa thuận chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (gọi tắt là chương trình), các nhà bán lẻ lẫn nhà cung ứng đã nhanh chóng bắt tay triển khai nhiều phần việc, giúp nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) và đưa sản phẩm chất lượng, an toàn ra thị trường nhiều hơn.

Kiểm soát chặt hơn

Công ty TNHH Xuân Thái Thịnh (chuyên cung cấp rau củ của tỉnh Lâm Đồng cho hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op) vừa tiếp đoàn khảo sát quản lý chất lượng của Saigon Co.op và được đánh giá cao. Ông Bùi Trung Kiên, Giám đốc công ty, cho biết trong lần làm việc này, Saigon Co.op đặc biệt kiểm soát chặt tất cả các khâu đồng ruộng, kho bãi, sơ chế... và tìm hiểu kỹ về khả năng cung ứng các mặt hàng chủ lực của công ty. Xuân Thái Thịnh đã đầu tư công nghệ để chuyển đổi sang canh tác chất lượng cao và là một trong những nhà sản xuất đầu tiên ký kết hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa với Saigon Co.op. "Để kiểm soát tốt hơn nữa, chúng tôi sẽ gắn thêm camera, tăng cường kiểm soát các công đoạn sản xuất, sơ chế… Đây là cơ hội để hàng hóa có chất lượng của công ty đưa ra thị trường được cạnh tranh công bằng hơn" - ông Kiên nói.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, thực hành sản xuất sạch nên rất tự tin tham gia chương trình

Nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, thực hành sản xuất sạch nên rất tự tin tham gia chương trình

Theo thỏa thuận của chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, dưới sự định hướng của Sở Công Thương TP HCM, 6 hệ thống phân phối lớn gồm Saigon Co.op, Satra, Aeon, Central Retail, MM Mega Market và Bách Hóa Xanh đã thống nhất cùng hành động để ngăn chặn thực phẩm không an toàn vào các siêu thị trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, 6 hệ thống này chủ động siết chặt quy trình kiểm soát chất lượng hàng hóa tại hệ thống phân phối của mình. Khi một hệ thống bán lẻ phát hiện sản phẩm nào đó vi phạm an toàn thực phẩm sẽ thông báo đến Sở Công Thương và các hệ thống còn lại, trong vòng 24 giờ sẽ đồng loạt tạm dừng kinh doanh đối với sản phẩm đó để rà soát lại toàn bộ quy trình, có thể xem xét ngừng hợp đồng nếu phát hiện nhà cung cấp cố ý vi phạm.

Trong giai đoạn thí điểm, chương trình triển khai cho một số sản phẩm thuộc 3 nhóm hàng hóa, gồm: trái cây (xoài cát chu, cam sành, bưởi da xanh, thanh long trắng và dưa lưới), rau củ quả (xà lách lô lô xanh, cải thìa, bắp cải trắng, cà chua thường, dưa leo thường) và thịt (heo, gà).

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một vài hệ thống phân phối cho biết từ 1 tháng nay đã chủ động triển khai nội dung phối hợp kiểm soát chất lượng đến từng nhà cung cấp, bảo đảm các nhà cung cấp biết, hiểu và đồng ý cùng tham gia. Các siêu thị cũng liên tục vận động các nhà cung cấp tự nguyện điều chỉnh hợp đồng cung ứng, bổ sung trách nhiệm chia sẻ thông tin trong quá trình kiểm soát chất lượng hàng hóa.

"Các nhà cung cấp tự tin kiểm soát được quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm của mình, tích cực phối hợp với các hệ thống bán lẻ để cùng siết chặt hơn nữa quy trình kiểm soát chất lượng. Có như thế, họ sẽ được các hệ thống bán lẻ tin tưởng, ưu tiên hỗ trợ phát triển thị trường" - đại diện Saigon Co.op cam kết.

Nhà sản xuất tự tin nhập cuộc

Nhiều DN cung cấp hàng hóa cho siêu thị đánh giá cao sáng kiến hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa của các hệ thống bán lẻ cũng như ngành công thương TP HCM.

Ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Thảo Nguyên (tỉnh Lâm Đồng), cho rằng việc liên kết này rất hay, nhằm rà soát lại chất lượng của nhà sản xuất, cung ứng. Ông Sơn nhìn nhận nếu chương trình cam kết được đầu ra cho sản phẩm chất lượng cao sẽ giúp DN tránh được rủi ro "được mùa, mất giá", sản xuất hàng chất lượng nhưng bán giá chợ, thậm chí bị đối tác bỏ rơi.

Bà Đặng Thị Phương Ninh, Giám đốc điều hành thực phẩm Tập đoàn GreenFeed (tỉnh Đồng Nai), cho rằng chương trình sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho những DN đầu tư bài bản, sản phẩm chất lượng cao. "Bản thân GreenFeed sở hữu con giống vượt trội, thức ăn, giải pháp chăn nuôi hiệu quả cùng hệ thống chế biến, phân phối hiện đại, đang cung ứng cho các đối tác khó tính trong và ngoài nước nên rất tự tin và sẵn sàng tham gia chương trình" - bà Phương Ninh khẳng định.

 

Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà cung cấp có tâm lý e ngại, lo lắng khi tham gia chương trình, mong muốn sở, ngành chức năng, các hệ thống phân phối tiếp tục hỗ trợ tăng cường giải pháp kiểm soát. Ông Phạm Quốc Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty VietFarm, phản ánh DN đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và EU để cung cấp cho nội địa cũng như xuất khẩu. "Tiêu chuẩn đầu vào, việc kiểm tra, giám sát của các hệ thống có những điểm khác nhau. Nếu siêu thị đưa ra tiêu chí thấp hơn so với các tiêu chuẩn nhà cung cấp đã đạt được sẽ ảnh hưởng về giá cả, nhà cung cấp bị thiệt thòi" - ông Huy nêu thực tế. Ông đề xuất có tiêu chuẩn thống nhất giữa các hệ thống phân phối và có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước để tạo sân chơi công bằng cho DN, tránh để nhà cung cấp tuân thủ chương trình khó cạnh tranh về giá với những nhà cung cấp ngoài chương trình.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thùy Quý Tú - Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lâm Đồng - cũng đề xuất có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước trong chương trình để bảo vệ nhà sản xuất, tránh trường hợp DN đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng an toàn thực phẩm nhưng bị siêu thị loại ra vì yếu tố giá cả. 

Sẽ xây dựng chuỗi cung ứng bền vững

Thông tin từ Sở Công Thương TP HCM, ngoài 6 nhà phân phối đã ký kết tham gia chương trình, WinCommerce cũng đã đăng ký tham gia chương trình, đang chờ được phê duyệt.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết thời gian tới, sở sẽ vận động thêm các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi... khác tham gia chương trình. Sở đã thông tin về chương trình này đến Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh, thành khác, qua đó thông tin rộng rãi đến các DN địa phương đang sản xuất, cung cấp hàng hóa thực phẩm cho thị trường TP HCM. Sở đồng thời làm việc với các hệ thống phân phối về các tiêu chí, quy trình nhập hàng chung.

Giải thích thêm về lý do triển khai chương trình, ông Phương cho hay hiện nay, hàng hóa bán vào siêu thị phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và chịu sự kiểm soát chặt từ phía nhà phân phối. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhà cung cấp cố tình bán hàng không đúng chất lượng như hồ sơ công bố hoặc tuồn thêm hàng chưa được kiểm soát chất lượng vào bán chung với hàng đã được kiểm soát. "DN Việt Nam có thể đáp ứng tất cả yêu cầu nghiêm ngặt nhất để xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Vì vậy, cần phải tăng cường việc kiểm soát, có chế tài chặt chẽ để nâng cao trách nhiệm của các DN đối với thị trường và người tiêu dùng trong nước. Qua đó, thúc đẩy DN, nhà cung cấp nâng cao quy trình sản xuất chất lượng hàng hóa, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, xây dựng, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, góp phần hỗ trợ hoạt động xuất khẩu" - ông Phương nhấn mạnh.

 


Tác giả: Bài và ảnh: Thanh Nhân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :