A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu lao động tại Hà Tĩnh bứt phá nhờ khai thác tốt thị trường

Hà Tĩnh là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng lao động xuất khẩu. Nguồn ngoại tệ do lao động ở nước ngoài gửi về góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội. Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực xây dựng thương hiệu lao động hướng đến các thị trường tiềm năng.

*Làng quê đổi thay nhờ “xuất ngoại”

Thiên Lộc vốn là xã thuần nông của huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), với dân số hơn 7.500 người. Những năm qua, nhờ đẩy mạnh chính sách đưa con em đi xuất khẩu lao động đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Xã Thiên Lộc hiện có 1.367 lao động làm việc tại nước ngoài, chủ yếu tại các thị trường có thu nhập ổn định như: Đức, Pháp, Séc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ông Võ Minh Đàn, Phó Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc cho biết: Từ nguồn ngoại tệ lao động gửi về cho gia đình đã góp phần đổi thay diện mạo làng quê Thiên Lộc. Số tiền này, giúp các hộ gia đình nâng cao đời sống, đóng góp, hỗ trợ hiệu quả cho địa phương trong xây dựng nông thôn mới và các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo.

Hiện nay, tại xã Thiên Lộc, 100% nhà ở các hộ dân được xây kiên cố với nhiều nhà tầng khang trang, cơ sở hạ tầng, đường giao thông rộng rãi, sạch đẹp. Được biết, năm 2019, khi địa phương phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân Thiên Lộc đã tự nguyện hiến 7.000m2 đất ở, 1.500 hộ dân tự bỏ tiền tháo dỡ các công trình kiên cố của gia đình để mở rộng đường giao thông với tổng kinh phí đóng góp trên 50 tỷ đồng. 10/10 thôn của xã Thiên Lộc đều có nhà văn hóa khang trang, mỗi nhà văn hóa được người dân đóng góp 2,5 tỷ đồng. Các hoạt động an sinh xã hội tại xã được người dân trong xã ủng hộ. Tết Nguyên đán 2024, người dân Thiên Lộc lao động ở nước ngoài đã gửi về 900 suất quà (500.000 đồng/suất) hỗ trợ các đối tượng chính sách trên địa bàn; đóng góp 670 triệu đồng cho hoạt động mừng thọ tại 10 thôn.

Ngoài xã Thiên Lộc, hiện nay nhiều địa phương như: Thuần Thiện, Gia Hanh, Thanh Lộc (Can Lộc); Ích Hậu, Phù Lưu, Bình An, Thịnh Lộc (Lộc Hà); Thạch Long, Thạch Sơn, Đỉnh Bàn, Thạch Hải (Thạch Hà); Cẩm Trung, Cẩm Lộc, Cẩm Minh, Cẩm Lạc, Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên); Kỳ Châu, Kỳ Hải, Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh); Cương Gián, Xuân Liên, Xuân Thành (Nghi Xuân)... có rất đông người đi làm việc ở nước ngoài.

Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, bình quân mỗi năm số tiền người lao động làm việc ở nước ngoài được trả theo hợp đồng đạt từ 6.800 - 7.000 tỷ đồng, trong đó, số ngoại tệ gửi về nước trên 4.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ trợ đầu tư cho các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

*Nỗ lực xây dựng thương hiệu lao động

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, từ năm 2013 đến hết năm 2023, Hà Tĩnh có 80.557 người lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, bình quân có trên 7.500 người/năm. Một số huyện thực hiện đạt kết quả tốt như Cẩm Xuyên (10.564 người), Nghi Xuân (9.553 người), Thạch Hà (7.123 người).

Ông Nguyễn Xuân Thái, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh cho biết: Công tác tư vấn việc làm, học nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động thông qua các ngày hội việc làm, tư vấn học nghề, xuất khẩu lao động tại các địa phương được đẩy mạnh. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh đã kết nối với một số doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, sàn giao dịch việc làm; đồng thời triển khai chương trình hợp tác xuất khẩu lao động, mở thêm nhiều lớp đào tạo tay nghề cho lao động Hà Tĩnh (năm 2023 tổ chức được 102 phiên giao dịch việc làm, tư vấn, định hướng nghề nghiệp).

Trong năm 2023, Hà Tĩnh có hơn 12.000 người đi lao động các nước. Trong đó, người đi xuất khẩu lao động làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 43,83%; Nhật Bản chiếm 37,03%; Hàn Quốc chiếm 11,54%.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác xuất khẩu lao động tại Hà Tĩnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn: vẫn còn tình trạng lừa đảo đưa người đi lao động ở nước ngoài; người lao động đi làm việc ở nước ngoài không theo hợp đồng, đặc biệt di cư tự do sang làm ăn, buôn bán... đặt ra không ít thách thức. Lao động không làm việc theo hợp đồng sẽ dễ gặp phải các rủi ro như: làm việc trong môi trường độc hại, không được trả lương hoặc trả lương không đầy đủ, bị lạm dụng, bóc lột hoặc bị ngược đãi.

Ông Nguyễn Xuân Thái, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh cho biết: Mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền và đưa ra khuyến cáo các hành vi lừa đảo đưa người đi làm việc ở nước ngoài, tuy nhiên thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn để xảy ra một số vụ việc lừa đảo người lao động như tại huyện Nghi Xuân, thị xã Kỳ Anh. Các vụ lừa đảo người lao động đã được cơ quan công an các địa phương vào cuộc, xử lý.

Để tránh bị lừa đảo đi xuất khẩu lao động, đơn vị khuyến cáo người lao động cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp có giấy phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tìm hiểu thông tin liên quan; tuyệt đối không tin theo các lời chào mời trên mạng xã hội không chính thống hay các tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa ngoài lao động đi làm việc ở ngoài.

Thời gian tới, Hà Tĩnh phấn đấu mỗi năm đưa khoảng 8.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... sẽ mở rộng thị trường, hướng tới các nước như: Đức, Nga, Australia, Israel và một số nước châu Âu khác.

Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh sẽ tham mưu các địa phương làm tốt công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng để tiếp cận các thị trường yêu cầu lao động kỹ thuật, thu nhập cao; tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tỉnh Hà Tĩnh sẽ tập trung cao cho công tác tuyên truyền, vận động lao động hết hạn hợp đồng về nước, xử lý có hiệu quả tình trạng lao động bỏ trốn, lao động vi phạm hợp đồng, đặc biệt là tại các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Đồng thời, tỉnh tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động sau khi về nước; thu hút, mời gọi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật vào làm việc cho các doanh nghiệp FDI đầu tư trên địa bàn tỉnh; khuyến khích người đi xuất khẩu lao động về nước đầu tư thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn và giải quyết việc làm cho lao động địa phương./.

Hoàng Ngà


Tác giả: Hoàng Thị Ngà
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :