A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khối ngoại tháo chạy khỏi chứng khoán Trung Quốc: 77% lượng vốn rót ròng từ đầu năm đã rời đi

Hơn 75% lượng vốn nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2023 đã rời đi.

Các nhà đầu tư toàn cầu đã bán tháo hơn 25 tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc dù Bắc Kinh đã đưa ra các động thái để vực dậy niềm tin của nhà đầu tư.

Các trader và chuyên viên phân tích cho rằng nguyên nhân đến từ việc Chính phủ Trung Quốc không tung ra chính sách hỗ trợ đủ mạnh và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục trì hoãn mua cổ phiếu cho tới khi tăng trưởng hồi phục đủ để giúp thị trường Trung Quốc hấp dẫn hơn.

“Thị trường Nhật Bản đang trên đà tăng ấn tượng, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan cũng không kém cạnh. Đó là vấn đề của thị trường Trung Quốc”, nhân viên cấp cao của một ngân hàng đầu tư tại Hồng Kông nhận định. “Lúc này, các nhà đầu tư nước ngoài nghĩ rằng ‘tôi không cần phải đầu tư vào Trung Quốc và nếu lỡ đầu tư, những cổ phiếu ở thị trường này đang kéo giảm hiệu suất của cả danh mục”.

Các nhà đầu tư toàn cầu khởi đầu năm 2023 bằng tháng mua ròng kỷ lục ở thị trường Trung Quốc, dự báo kinh tế sẽ hồi phục mạnh mẽ khi gỡ bỏ các lệnh phong tỏa.

Tuy nhiên, khối ngoại đã mạnh tay bán ròng cổ phiếu Trung Quốc trong những tháng gần đây vì lo ngại về cuộc khủng hoảng bất động sản và số liệu tăng trưởng đáng thất vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kể từ khi đạt đỉnh ở mức 235 tỷ Nhân dân tệ (32.6 tỷ USD) vào đầu tháng 8/2023 nhờ cam kết hỗ trợ kinh tế của Chính phủ Trung Quốc, dòng vốn nước ngoài đã đảo ngược. Dòng vốn nước ngoài rót ròng vào chứng khoán Trung Quốc đã giảm 77% so với mức đỉnh tháng 8/2023, chỉ còn 54.7 tỷ Nhân dân tệ, theo tính toán của Financial Times.

Bruce Pang, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty nghiên cứu và đầu tư bất động sản JLL, chia sẻ các cam kết hỗ trợ lĩnh vực bất động sản của Chính phủ Trung Quốc chưa thể vực dậy niềm tin của nhà đầu tư.

“Họ đưa ra cam kết tương tự trong các quý của năm nay, nhưng giá nhà vẫn giảm và cho thấy cần thêm chính sách hỗ trợ để lĩnh vực bất động sản hồi phục bền vững”, ông Pang chia sẻ.

Làn sóng bán tháo của khối ngoại đẩy chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm hơn 11% trong năm nay, trong khi các chỉ số của Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ tăng từ 8% đến 10%.

Các định chế tài chính chuyển hướng sang các thị trường như Ấn Độ và Hàn Quốc, với lượng hút ròng tương ứng 12.3 tỷ USD và 6.4 tỷ USD trong năm nay, theo ước tính của Goldman Sachs. Nếu đà này cứ tiếp tục, Hàn Quốc sẽ có năm mua ròng đầu tiên của khối ngoại kể từ năm 2019.

Hiện các chiến lược gia tại các ngân hàng đầu tư lớn nhất Phố Wall dự báo thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ diễn biến tốt hơn trong năm 2024. Tuy vậy, mức tăng kỳ vọng cũng dao động trong phạm vi lớn.

Các chuyên viên phân tích tại Goldman Sachs dự báo CSI 300 tăng 17% trong năm 2024 (từ mức hiện tại), nhờ lợi nhuận khả quan hơn và định giá cao hơn dành cho các công ty Trung Quốc.

Trong khi đó, Morgan Stanley dự báo chỉ số này tăng 7.5%, nhưng cảnh báo “chúng ta không thể loại bỏ kịch bản khối ngoại giảm bớt tỷ trọng và né xa Trung Quốc” nếu các nhà hoạch định chính sách không tích cực hỗ trợ tăng trưởng hơn.

“Điều gì thuyết phục một nhà quản lý điều hành quỹ 1 tỷ USD bỏ 10% danh mục vào Trung Quốc”, nhân viên tại ngân hàng đầu tư Hồng Kông chia sẻ. “Câu trả lời là dư địa tăng trưởng dài hạn khá khẩm và nếu không có điều này, nhà đầu tư không trở lại Trung Quốc đâu”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :