A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Biến số của thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024

Trong nửa cuối năm 2024, các thị trường chứng khoán cận biên và mới nổi, gồm Việt Nam sẽ đối mặt rủi ro lạm phát gia tăng, một số ngân hàng trung ương lớn hạ lãi suất sớm, dẫn tới chênh lệch lãi suất nới rộng, qua đó có thể tác động đến tỷ giá, xu hướng dòng vốn.

Từ động thái đảo chiều chính sách của các ngân hàng trung ương lớn

Những thông tin về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết đã tác động tích cực lên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, tỷ giá vẫn tỏa sức nóng đáng kể, gây áp lực lên thị trường bất kể giai đoạn nào.

TS.Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng tỷ giá VND/USD lẽ ra không nên mất giá gần 5% trong những tháng đầu năm nếu xét trên cân đối như cán cân thanh toán, lạm phát. Tuy nhiên, tỷ giá sẽ không vượt qua mức 26.000 đồng một đô la Mỹ bởi Fed có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 7 hoặc 9-2024.

“Khi Fed cắt giảm lãi suất, chỉ số USD Index sẽ giảm xuống 100 điểm nên Việt Nam không cần thiết phải nâng lãi suất để giữ ổn định tỷ giá”, ông Phước nói.

Tuy dự báo lạc quan về triển vọng hạ lãi suất của Fed nhưng ông cũng cho rằng, cần đánh giá lại chính sách lãi suất 0% với đô la Mỹ, bởi đây là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam luôn chịu áp lực tỷ giá.

TTCK Việt Nam trải qua nửa đầu năm 2024 với nhiều diễn biến thăng trầm. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Cũng liên quan tới tỷ giá, ông Tống Quốc Đạt, Trưởng phòng phân tích thị trường cấp cao của Exness Investment Bank lưu ý, giá đô la Mỹ có thể không giảm mạnh như kỳ vọng.

Dự báo trên được đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh hơn nhiều so với châu Âu hay các quốc gia G7 khác. Thậm chí, ngay cả khi Fed hạ lãi suất thì ECB và một số ngân hàng trung ương cũng sẽ thực hiện điều tương tự với tốc độ nhanh hơn.

Trước đó, Ngân hàng trung ương Canada (BOC) chính thức cắt giảm lãi suất điều hành từ 5% xuống 4,75% vào ngày 5-6, đánh đấu việc quốc gia G7 đầu tiên thực hiện động thái cắt giảm lãi suất. ECB cũng quyết định hạ lãi suất từ mức 4,5% xuống 4,25%, đánh dấu lần đầu tiên ngân hàng này cắt giảm lãi suất kể từ tháng 9-2019.

“Do lạm phát EU ổn định hơn nên có nhiều khả năng là châu Âu sẽ giảm lãi suất nhanh và mạnh hơn so với Mỹ, đẩy sức mạnh của đô la Mỹ đi lên. Ngoài ra, đồng euro cũng đóng vai trò lớn trong USD Index”, ông Đạt nói.

Trong khi đó, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá, chênh lệch lãi suất được nới rộng hơn cùng với khả năng tăng giá của đô la Mỹ vẫn hiện hữu sẽ làm đồng bạc xanh hấp dẫn hơn so với đồng euro và các ngoại tệ khác. Điều này sẽ càng làm cho “cuộc chiến tiền tệ” trên toàn cầu thêm phần căng thẳng.

Ngoài ra, trong trường hợp Fed trì hoãn hạ lãi suất, ECB và một số quốc gia khác vì sức ép tăng trưởng buộc phải hạ lãi suất sớm hơn thì chênh lệch lãi suất sẽ nới rộng, qua đó có thể tác động đến tỷ giá, xu hướng dòng vốn và có thể ảnh hưởng phần nào đến diễn biến lạm phát tại từng quốc gia cụ thể.

Theo đó, xu hướng dòng vốn là yếu tố có thể sẽ ảnh hưởng đến diễn biến của các thị trường chứng khoán. Dòng vốn đầu tư dựa trên việc chênh lệch lãi suất tiền tệ tiếp tục bị rút khỏi các thị trường có lãi suất thấp, để chuyển về nơi có lãi suất cao hơn. Điều này, có thể tăng thêm áp lực bán ròng, từ đó sẽ gây sức ép lên diễn biến chỉ số, thanh khoản và giá cổ phiếu.

Đến những vấn đề riêng của thị trường Việt Nam

Ngoài tác động từ bối cảnh kinh tế quốc tế, TTCK chứng khoán Việt Nam phải đối mặt với áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) với tổng giá trị bán ròng những tháng đầu năm 2024 là gần 40.000 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với mức bán ròng cả năm 2023 là 24.831 tỉ đồng. Các quỹ chịu áp lực rút vốn mạnh nhất, gồm DCVFM VN30 với 6.400 tỉ đồng, SSIAM VNFIN Lead với 1.700 tỉ đồng, DCVFM VN30 với 1.500 tỉ đồng và Fubon 1.500 tỉ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cần nhiều lực đẩy hơn từ chính sách tiền tệ. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Theo SGI Capital, việc khối ngoại bán ròng triền miên có thể đến từ lo ngại rủi ro tỷ giá khi nền lãi suất tiền đồng Việt Nam hạ thấp so với thế giới, thoái vốn một số nhóm cổ phiếu có rủi ro cục bộ cao và ảnh hưởng từ xu hướng rút ròng chung khỏi nhóm các thị trường mới nổi… Xu hướng này hiện chưa có dấu hiệu kết thúc hoặc đảo chiều.

Ông Trần Hoàng Sơn cũng có ý kiến tương tự, cho rằng sự chênh lệch môi trường lãi suất, chính sách tiền tệ, tỷ giá khả năng cao đã tác động đáng kể tới hành động của nhà đầu tư ngoại. Điều này gây ra hoạt động tái cấu trúc dòng vốn trên toàn cầu. Khi những thị trường tăng trưởng yếu hơn, đồng tiền mất giá hay những thị trường cận biên sẽ bị rút vốn mạnh để phân bổ vào những nơi thị trường hiệu quả hơn.

Cụ thể, không chỉ Việt Nam mà các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt. Theo thống kê của khối phân tích VPBankS, riêng trong tháng 4 vừa qua, dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi (EM) rút 3 tỉ đô la Mỹ. Các thị trường Châu Á mới nổi cũng đối mặt với tình trạng tương tự, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á đã có tháng rút ròng thứ tư liên tiếp, với giá trị 174 triệu đô la.

Theo ông Sơn, dù chỉ chiếm hơn 10% tỷ trọng giao dịch nhưng động thái mua bán của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tác động phần nào tới tâm lý và các quyết định của nhà đầu tư nội.

Trong khi áp lực bán ròng của khối ngoại gia tăng, SGI Capital cho biết, các đợt phát hành tăng vốn mới đang tăng tốc và cổ đông nội bộ cũng tăng bán gần đây. Bối cảnh này đòi hỏi thị trường cần dòng tiền nộp mới gia tăng mạnh để duy trì xu hướng tích cực một cách bền vững, nhưng thanh khoản trên thị trường lại đang giảm đi gần đây, dòng tiền nội đã không tăng lên đủ mạnh và tỷ lệ margin tiếp tục tăng lên đỉnh cao mới.

Một điểm cần lưu ý khác, theo quỹ đầu tư này, là giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn trong tháng 6 và quí 3 lần lượt ở mức 20.000 tỉ đồng và 33.000 tỉ đồng, tạo rủi ro trực tiếp với những doanh nghiệp phát hành, gồm cả những tập đoàn lớn đang niêm yết, ngành bất động sản và có thể ảnh hưởng tới ngành ngân hàng.

Bảo vệ thành quả đầu tư giữa biến động

TTCK Việt Nam ghi nhận mức phục hồi tương đối ấn tượng từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu bán lẻ tăng 46,45%, giày dép tăng 36,5%, ngân hàng tăng hơn 14%, chứng khoán tăng 13,6%… Theo nhiều chuyên gia, thị trường hiện có cơ hội nhiều hơn thách thức nhưng nhà đầu tư cần biết rõ khẩu vị của mình để có lựa chọn phù hợp, đa dạng hoá danh mục và sử dụng đòn bẩy hợp lý.

SGI Capital cho rằng, việc tìm kiếm các cơ hội đủ hấp dẫn trở nên khó khăn hơn và dòng tiền đang bộc lộ tính đầu cơ, chấp nhận rủi ro cao khi xuất hiện nhiều trường hợp giá vượt xa hoặc bỏ qua các yếu tố cơ bản của cổ phiếu. Môi trường lãi suất thấp là yếu tố thu hút dòng tiền vào các cuộc đầu cơ phi lý kéo dài.

Thị trường đang vào vùng trũng thông tin sau mùa họp ĐHĐCĐ với nhiều kỳ vọng tăng trưởng cao so với thực tế. Định giá chung không còn rẻ và nhóm doanh nghiệp phi tài chính đã vào vùng đắt. Trong khi đó, thanh khoản và dòng tiền có dấu hiệu suy yếu với tỷ lệ vay margin/vốn hóa ở mức cao lịch sử.

Với bối cảnh trên, chuyên gia của VPBankS dự báo, điểm đảo chiều dòng vốn ngoại có thể là giai đoạn quí 3 và 4-2024 vì đây là thời điểm giới đầu tư kỳ vọng Fed có thể hạ lãi suất, kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, dòng vốn sẽ trở lại thị trường mới nổi. Về trung và dài hạn, NĐTNN có thể quay trở lại mua ròng tích cực nhờ yếu tố chênh lệch lãi suất và tỷ giá hạ nhiệt.

Ông Trần Hoàng Sơn kỳ vọng, áp lực tỷ giá sẽ dần giảm bớt nhờ các yếu tố như các chính sách điều hành gần đây của NHNN phát huy hiệu quả; lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng, giúp chênh lệch lãi suất VND/USD thu hẹp; thị trường vàng có thể sớm bình ổn, nhu cầu đô la Mỹ được đáp ứng.

Ngoài ra, áp lực tỷ giá cũng dễ ổn định trở lại gần thời điểm dự kiến Fed hạ lãi suất, qua đó đưa dòng tiền quay lại các thị trường mới nổi. Với diễn biến thị trường năm nay, doanh nhân này đánh giá, sẽ không có một nhóm ngành nào có thể là “vịnh tránh bão”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :