Bão bán tháo cổ phiếu trên toàn cầu, chứng khoán Nhật Bản giảm 20% từ đỉnh
Thị trường tài chính toàn cầu đang chao đảo trước làn sóng bán tháo cổ phiếu dữ dội, khi các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế tại Mỹ. Trong khi đó, trái phiếu đang trở thành nơi trú ẩn an toàn, thu hút dòng tiền đổ vào mạnh mẽ.
Tại Nhật Bản, thị trường chứng khoán đang trải qua một cơn địa chấn. Chỉ số Topix có lúc lao dốc hơn 7%, đánh dấu ngày giảm thứ 3 liên tiếp. So với mức đỉnh, chỉ số này đã giảm 20%, tức bước vào thị trường con gấu.
Đồng Yên tăng vọt hơn 1% khi nhà đầu tư đặt cược Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất sau động thái bất ngờ vào tuần trước.
"Chúng ta đang chứng kiến một sự kết hợp hoàn hảo kích hoạt tâm lý 'e ngại rủi ro'", Vishnu Varathan, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược của Ngân hàng Mizuho tại Singapore, nhận định. "BoJ đang báo hiệu thắt chặt hơn nữa, trong khi Fed có thể đã hành động quá chậm chạp. Hiện tại, việc thoát các vị thế carry trade (giao dịch dựa trên chênh lệch lãi suất) và nỗi lo suy thoái đang cùng nhau gây tổn hại đến tâm lý của nhà đầu tư”.
Làn sóng bán tháo không chỉ dừng lại ở xứ sở hoa anh đào. Các thị trường chứng khoán Hàn Quốc và Úc cũng chìm trong sắc đỏ. Trên nước Mỹ, hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 giảm hơn 1.5%, báo hiệu một phiên giao dịch ảm đạm sắp tới.
Trên thị trường trái phiếu, một bức tranh hoàn toàn trái ngược đang diễn ra. Giá trái phiếu đang tăng rất mạnh và kéo lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm. Tại Nhật Bản, lợi suất trái phiếu chuẩn 10 năm cũng lao dốc, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4.
Diễn biến này phản ánh sự thay đổi nhanh chóng trong tâm lý thị trường. Chỉ mới đây, các nhà đầu tư còn kỳ vọng Fed sẽ tạo ra một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, báo cáo việc làm yếu kém hồi cuối tuần trước đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái sắp tới.
Brian Rose, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại bộ phận quản lý tài sản của UBS Group AG, cho biết: "Với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và lạm phát cơ bản PCE giờ đây thấp hơn dự báo cuối năm của Fed, chúng tôi tin rằng cán cân rủi ro nghiêng về phía Fed sẽ hành động quyết liệt hơn". Ông dự đoán Fed có thể cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 9 và 25 điểm cơ bản mỗi đợt vào tháng 11 và tháng 12.
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy các nhà giao dịch trái phiếu đã nhiều lần đánh giá sai hướng đi của lãi suất kể từ khi kết thúc đại dịch. Vào cuối năm 2023, giá trái phiếu cũng tăng vọt do tin tưởng rằng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách, nhưng sau đó lại tụt dốc không phanh khi nền kinh tế tiếp tục thể hiện sức mạnh đáng kinh ngạc.
Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đang đe dọa thổi bùng “ngọn lửa bất ổn” trên thị trường tài chính toàn cầu. Giá dầu tiếp tục giảm giữa những đồn đoán về khả năng Iran tấn công Israel để trả đũa vụ ám sát các quan chức Hezbollah và Hamas. Chứng khoán Ả-Rập Xê-út và Israel đã giảm hơn 2%, vượt xa mức giảm trên Phố Wall vào thứ Sáu.
Với viễn cảnh một nửa cuối năm đầy biến động, các nhà đầu tư được khuyến nghị phải “thắt chặt dây an toàn”. Chỉ số VIX - thước đo nỗi sợ của Phố Wall - đã nhảy vọt lên mức cao nhất trong gần 18 tháng. Trong khi đó, chỉ số đo lường biến động thị trường trái phiếu cũng đang leo thang.
Ở châu Á, các nhà giao dịch đang theo dõi chặt chẽ nền kinh tế Trung Quốc. Chính phủ nước này vừa đưa ra các ưu tiên để thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng nhằm đối phó với nhu cầu trong nước yếu. Dữ liệu hoạt động dịch vụ và tổng hợp Caixin Trung Quốc tư nhân dự kiến sẽ được công bố sau trong ngày 05/08, sau khi PMI sản xuất của nước này bất ngờ suy giảm lần đầu tiên trong 9 tháng vào tuần trước.