Rừng tràm Trà Sư vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng
Rừng tràm Trà Sư, là khu rừng và khu du lịch sinh thái nổi bật là cây tràm và thảm bèo xanh giăng kín mặt nước, nằm tại thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Sắc xanh vẻ đẹp của thiên nhiên tại rừng tràm Trà Sư
Rừng tràm Trà Sư có vị trí địa lý đặc trưng tại tỉnh An Giang. Đây là rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật và thực vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Đến nơi đây, du khách có dịp được trải nghiệm, chiêm ngưỡng khám phá thiên nhiên, không gian xanh trong lành, thơ mộng - chim trời, cá nước, lá hoa rực rỡ sắc màu.
Hòa lẫn một màu xanh bình yên tại rừng tràm Trà Sư: Ảnh Sao Mai Group |
Cách Châu Đốc khoảng 30 km, cách biên giới Việt Nam – Campuchia 10 km, rừng tràm Trà Sư, có diện tích gần 850 ha, trong đó hơn 400 ha là lõi rừng đặc dụng ngập nước, là một quần thể tràm, có trên dưới 40 năm tuổi, cao từ 5–20 mét, những cây tràm đan xen với nhau trên thảm bèo tấm khổng lồ phủ kín mặt nước, tạo nên “thảm lụa xanh”, những tán cây tràm cao vút, ríu rít tiếng chim làm tổ, là cả một bầu không khí trong vắt, thoáng đãng và yên tĩnh, đặc trưng chỉ có ở Trà Sư.
Rừng tràm Trà Sư, có diện tích gần 850 ha, trong đó hơn 400 ha là lõi rừng đặc dụng ngập nước: Ảnh: Thiện Nhân |
Theo khảo sát của Đại học An Giang và Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang, khu rừng tràm Trà Sư là mái nhà chung của 70 loài chim thuộc 13 bộ, 31 họ; trong đó có hai loài ghi sách đỏ Việt Nam là: Giang sen và điêng điểng phương Đông. Bên cạnh đó, dưới tán tràm còn 11 loài thú, 25 loài bò sát – ếch nhái, cùng 23 loài thủy sản, bao gồm cá trê trắng và cá còm hiếm thấy. Không chỉ phong phú về động vật, rừng tràm Trà Sư còn là nơi tụ họp của 140 loài thực vật thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 70 loài cỏ, 13 loài thủy sinh, 11 loài sinh cảnh, 78 loài cây thuốc và 22 loài cây cảnh.
Đến rừng tràm Trà Sư nơi du khách có dịp được trải nghiệm, chiêm ngưỡng khám phá thiên nhiên, không gian xanh trong lành, thơ mộng: Ảnh Sao Mai Group |
Mỗi năm, từ tháng 9 đến tháng 11 là mùa nước nổi, lũ Mê Kông mang phù sa và nguồn thức ăn dồi dào tràn vào rừng. Cá linh theo dòng nước, bèo tấm nở rộ, chim về làm tổ, tạo nên “xóm làng” sôi động. Tham quan rừng tràm trên những chiếc thuyền máy, xuôi theo dòng nước, lướt trên "biển" bèo xanh ngắt, vào sáng sớm, du khách ngồi xuồng len lỏi giữa “thảm pastel lục bảo”, dễ bắt gặp cảnh hàng nghìn cá thể chim cò quần tụ kiếm ăn – khoảnh khắc mà nhiều nhiếp ảnh gia xem là “đặc sản” thiên nhiên rất đỗi độc đáo của khu rừng sinh thái, chắc chắn rằng bạn sẽ cảm thấy thư thái và như đã lạc trôi vào vùng đất thần tiên
Chim Giang sen và điêng điểng phương Đông. Ảnh Thiện Nhân |
Đây sẽ là một trải nghiệm không thể bỏ lỡ khi đi thuyền trên đồng nước mênh mông, rất đỗi thơ mộng, say mê với vẻ đẹp mát rượi của khu rừng tràm và nghe tiếng chim kêu thật gần với những bông điên điển vàng nghiêng nghiêng soi bóng vô cùng đẹp.
Hợp tác bảo tồn và phát triển
Rừng tràm Trà Sư là một “mỏ vàng xanh” mỗi hecta rừng khi ngập nước có thể hấp thu 25–30 tấn CO₂/năm, góp phần hiện thực hóa cam kết Net Zero 2050 của Việt Nam. Hệ sinh thái đa tầng đó, đã đưa rừng Trà Sư trở thành “phòng thí nghiệm sống” về đa dạng sinh học, vùng ngập nước vốn đang trở thành trọng điểm nghiên cứu trong giai đoạn biến động về môi trường.
Cả khu rừng như chiếc gương khổng lồ phản chiếu nắng trời vàng óng. Rừng tràm Trà Sư hôm nay, với màu xanh bền bỉ cùng nhịp sống trù phú, chính là bảo chứng sống động nhất cho sự chắt chiu, yêu quí và vun bồi qua năm tháng của nhà đầu tư, để mỗi bước chân du khách đều trở thành cam kết gìn giữ kho báu xanh của miền Tây Nam Bộ.
Để giữ gìn sự thiên nhiên của khu rừng sinh thái, từ năm 2016 - 2017, UBND tỉnh An Giang đã giao Công ty CP du lịch An Giang khai thác, quản lý và phát triển du lịch theo mô hình “du lịch sinh thái – bảo tồn song hành”. Từ đó đến nay, Công ty du lịch An Giang đã đầu tư mới hàng loạt hạ tầng dịch vụ, góp phần bảo tồn và làm phong phú thêm cảnh quan thiên nhiên tại rừng tràm Trà Sư. |