Nhìn từ thành tích của Nguyễn Thị Oanh
Không có điều kỳ diệu xảy đến với Nguyễn Thị Oanh ở cự ly 3.000 m vượt chướng ngại vật nữ tại ASIAD 19
Đây là nội dung thi đấu Nguyễn Thị Oanh từng giành được HCĐ tại ASIAD 18 cũng như vừa giành HCV tại SEA Games 32 diễn ra vào tháng 5-2023 tại Campuchia. Không thể khác được khi các đối thủ quá mạnh, kết quả này là điều đã được dự đoán, thành tích 9 phút 57 giây 13 - thông số tốt nhất của năm 2023 - chỉ đủ giúp cô gái quê Bắc Giang xếp hạng 6/7, đứng trên chân chạy chủ nhà Zhang Xin-yan.
Nguyễn Thị Oanh nỗ lực trên đường chạy 3.000 m vượt chướng ngại vật .(Ảnh: QUÝ LƯỢNG)
Thành tích 9 phút 57 giây 13 tốt hơn so với ở SEA Games 32 khi Oanh giành HCV với thông số 10 phút 34 giây 37, nhưng còn kém rất xa điều cô làm được tại ASIAD 18 khi cán đích thứ ba với thành tích 9 phút 43 giây 83, mang về tấm HCĐ ở cự ly 3.000 m vượt chướng ngại vật.
Tại ASIAD 19, Oanh cũng không thành công ở nội dung sở trường 1.500 m nữ. Thành tích 4 phút 24 giây 19 cũng làm dấy lên nỗi lo ngại khi mọi thứ đang đi xuống theo thời gian: cô xếp hạng 4 tại ASIAD 18 với thông số 4 phút 15 giây 49, giành HCV tại SEA Games 32 vào tháng 5-2023 bằng thành tích 4 phút 16 giây 85, về thứ 5 tại Giải Vô địch châu Á 2023 với 4 phút 18 giây 84…
Không khó để chỉ ra nguyên nhân thất bại: Từ đầu năm 2023, Oanh đã phải dồn sức tập luyện và thi đấu ở các đấu trường lớn như Giải Điền kinh trong nhà châu Á (tháng 2), SEA Games (tháng 5), Giải Vô địch châu Á (tháng 7), Giải Vô địch thế giới (tháng 8), ASIAD 19 (tháng 10)… Tập luyện chưa có một ngày nghỉ suốt từ đầu năm trong tình trạng cơ thể căng như dây đàn, thể lực bị thử thách tột độ, chưa kể phải đối mặt với chứng viêm xoang khi thời tiết trở lạnh, vì vậy thất bại của Oanh trước dàn hảo thủ đẳng cấp châu lục và nhiều sao thế giới nhập tịch hoàn toàn có thể được thông cảm.
Trước giờ lên đường tham dự ASIAD 19, nhiều chuyên gia đã phân tích những bộ môn được đo đếm chuẩn mực như bơi lội hay điền kinh, Việt Nam không hy vọng nhiều khi bước ra đại đấu trường vì khác biệt quá lớn - từ cơ chế, lượng đầu tư phù hợp cho đến tầm vóc, thể lực và sức mạnh của VĐV.
Theo những người trong cuộc, Nguyễn Thị Oanh trình diễn không tệ trong thời gian vừa qua - chạm mốc 4 phút 12 giây 28 ở nội dung 1.500 m tại Giải Vô địch thế giới. Oanh cũng chẳng mắc bệnh ngôi sao - chưa bao giờ từ bỏ đam mê chạy ngay cả khi được chẩn đoán có bệnh và được yêu cầu phải rời bỏ thể thao cho đến khi trở thành ngôi sao số 1 đường chạy.
Có thể nói, cần sớm có đánh giá đúng mức vai trò và đóng góp của Nguyễn Thị Oanh, cũng như có những kế hoạch tập luyện thi đấu phù hợp cho chân chạy số 1 Việt Nam trong thời gian tới.
Ngày 3-10, tuyển Việt Nam vượt qua chủ nhà Trung Quốc với tỉ số 2-0 để lọt vào trận chung kết tranh HCV với đội tuyển nữ Indonesia. Cơ hội mang về HCV đang mở ra cho cầu mây Việt Nam khi 4 thành viên đều đang là đương kim vô địch thế giới.
Võ sĩ Lưu Diễm Quỳnh dù thất bại ở trận bán kết boxing hạng 75 kg nữ nhưng cũng kịp mang về HCĐ thứ 14 cho đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 19. Đoàn thể thao Việt Nam đã có được 1 HCV, 3 HCB và 14 HCĐ, tạm xếp thứ 18/45 quốc gia và vùng lãnh thổ