Họa sĩ Bùi Trang Chước: Cả đời cống hiến thầm lặng
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh dành tặng cố họa sĩ Bùi Trang Chước không chỉ là niềm vui của gia đình ông mà còn của cả giới mỹ thuật Việt Nam
Họa sĩ Bùi Trang Chước vừa được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022 với thiết kế mẫu "Huân chương" - Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động; thiết kế mẫu "Quốc huy Việt Nam" và tác phẩm "Khu gang thép Thái Nguyên".
Không hề nghĩ đến công danh
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Bùi Trang Chước là một họa sĩ tài năng, đặc biệt ở mảng đồ họa. "Ông không chỉ là một danh họa mà còn là một nghệ sĩ cả đời thầm lặng cống hiến hết mình cho đất nước và dân tộc, không hề nghĩ đến công danh" - họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ.
Họa sĩ Bùi Trang Chước tên thật là Nguyễn Văn Chước, sinh ngày 21-5-1915 tại thôn Phú Xá, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Ông tốt nghiệp loại xuất sắc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1941. Ra trường, ông được mời về giảng dạy tại Trường Kiến trúc Đà Lạt.
Họa sĩ Bùi Trang Chước
Do có năng khiếu nên ngoài việc giảng dạy, thời điểm ấy, họa sĩ Bùi Trang Chước dành nhiều thời gian cho việc sáng tác tem thư. Ông chính là người Việt Nam đầu tiên ở Đông Dương vẽ tem thư.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, họa sĩ Bùi Trang Chước cùng gia đình chuyển ra Hà Nội và giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Hà Nội. Lúc toàn quốc kháng chiến, ông lên Việt Bắc theo cách mạng, giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Liên khu Việt Bắc.
Năm 1951, cuộc thi sáng tác mẫu "Quốc huy" được phát động và thu hút đông đảo họa sĩ cả nước tham gia. Từ năm 1953 đến 1955, họa sĩ Bùi Trang Chước đã có hơn 100 bản vẽ nghiên cứu, phác thảo, bản vẽ chì chi tiết những mẫu "Quốc huy Việt Nam". Toàn bộ hơn 100 mẫu "Quốc huy" của họa sĩ Bùi Trang Chước có đủ loại hình, từ hình dáng bầu dục đứng hoặc ngang, hình tròn…; vẽ chì, vẽ màu, phác thảo hoặc hoàn thiện. Rất nhiều chi tiết, hình ảnh đặc trưng của Việt Nam đã được ông sử dụng như bông lúa, con trâu, cái đe, cây tre, đền Hùng, gò Đống Đa, Khuê Văn Các, chùa Một Cột…
Từ hơn 300 mẫu "Quốc huy" của các họa sĩ tham gia, cuối cùng chỉ còn 15 mẫu của tác giả duy nhất là Bùi Trang Chước được Trung ương duyệt và có ý kiến chỉ đạo chỉnh sửa một số chi tiết nhỏ. Sau đó, họa sĩ Bùi Trang Chước nhận nhiệm vụ tuyệt mật của Chính phủ là vẽ và in tiền. Việc chỉnh sửa một vài chi tiết đã được giao cho họa sĩ Trần Văn Cẩn thực hiện. Việc này đã gây ngộ nhận và nhầm lẫn trong 50 năm rằng họa sĩ Trần Văn Cẩn là tác giả của "Quốc huy Việt Nam".
Trả lại sự thật
Tháng 9-1996, Chủ tịch nước đã ký tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật cho cụm tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn, trong đó có công trình vẽ mẫu "Quốc huy Việt Nam" (1955). Điều này đã dấy lên những tranh cãi về việc ai thật sự là tác giả "Quốc huy Việt Nam".
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định đây là sơ suất của ban tổ chức giải thưởng thời điểm đó. Trong thực tế, chưa cần đến công trình vẽ mẫu "Quốc huy Việt Nam" năm 1955 thì những cống hiến của họa sĩ Trần Văn Cẩn đã được khẳng định.
Trong bản di bút "Tôi vẽ mẫu Quốc huy" viết ngày 26-4-1985, họa sĩ Bùi Trang Chước đã kể rất cụ thể về hành trình sáng tạo mẫu "Quốc huy".
Phác thảo mẫu “Quốc huy” của họa sĩ Bùi Trang Chước. (Ảnh: TƯ LIỆU)
Đến tháng 10-2002, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã thành lập tổ tư vấn với sự tham gia của nhiều nhà chuyên môn, nghệ sĩ uy tín; sưu tầm tư liệu, nhân chứng cũng như tổ chức các buổi làm việc, gặp gỡ thân nhân, bạn bè của cố họa sĩ Bùi Trang Chước và cố họa sĩ Trần Văn Cẩn. Việc giám định các tư liệu được thực hiện nghiêm túc với sự giúp đỡ của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an.
Kết quả giám định cho thấy bản vẽ của họa sĩ Bùi Trang Chước có nhiều chi tiết giống với mẫu "Quốc huy" hiện nay nhiều hơn so với các mẫu của họa sĩ Trần Văn Cẩn.
Năm 2004, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải về việc xác định tác giả mẫu "Quốc huy Việt Nam". Theo ý kiến của Thủ tướng, mẫu "Quốc huy Việt Nam" là một cống hiến chung của giới mỹ thuật cách mạng Việt Nam. Trong đó, phải kể đến công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước - người đã vẽ những mẫu "Quốc huy" để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện. Họa sĩ Trần Văn Cẩn là người đã chỉnh sửa hoàn thiện mẫu "Quốc huy" theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt.
112 bản phác thảo trở thành Bảo vật quốc gia
Bộ sưu tập 112 bản phác thảo mẫu "Quốc huy Việt Nam" của họa sĩ Bùi Trang Chước được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2021.
Bộ sưu tập này sáng tác trong những năm 1953-1955, được gia đình họa sĩ Bùi Trang Chước tặng năm 2003, hiện lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Phần lớn các bản phác thảo mẫu "Quốc huy" đã ố vàng, phai mờ, trong đó 2 bản vẽ khổ lớn 56 cm x 34 cm đã bị rách cạnh.
Họa sĩ Bùi Trang Chước cũng là tác giả bức phù điêu hình Bác Hồ được đúc bằng vàng mà phi công Phạm Tuân mang theo khi bay vào vũ trụ. Đây chính là mẫu Huy hiệu Bác Hồ được sử dụng hiện nay.
Họa sĩ Bùi Trang Chước từng sáng tác nhiều tem thư, tiền, biểu trưng (như biểu trưng Tổng Công đoàn Việt Nam - nay là Tổng LĐLĐ Việt Nam, biểu trưng ngày Thương binh - Liệt sĩ, biểu trưng Xưởng Phim Việt Nam...).
Ông là tác giả của nhiều bộ tem quý như: "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh" năm 1951, "Chiến thắng Điện Biên Phủ" năm 1954, "Cải cách ruộng đất", "Mừng Chính phủ về thủ đô", "Anh hùng Cù Chính Lan", "Anh hùng Mạc Thị Bưởi"...
16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng giải thưởng
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết có 128 tác giả, đồng tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2022.
Theo đó, 8 tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là nhạc sĩ Hồng Đăng (Phan Hồng Đăng), tác giả Chu Chí Thành với bộ ảnh "Hai người lính" (gồm 4 ảnh), tác giả Võ Nguyên Nhân (Võ An Khánh), NSND Đặng Hùng, NSND Vũ Việt Cường, NSND Lê Văn Khình (Lê Khình) - đồng tác giả, PGS-TS-NSND Ứng Duy Thịnh, PGS-TS -NSND Nguyễn Thị Hiển.
8 tác giả, đồng tác giả được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh dịp này là nhạc sĩ Văn Ký (Vũ Văn Ký), họa sĩ Nguyễn Văn Chước (Bùi Trang Chước), tác giả Hoàng Châu Ký, tác giả Nguyễn Xuân Trình, tác giả Nguyễn Xuân Đức, tác giả Hoàng Trung Thông, tác giả Bùi Hiển, tác giả Phan Thế Dõng.