A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa hát Aday vào du lịch văn hóa

Các nghệ nhân đã đề xuất việc kết hợp với các công ty du lịch, đưa du khách đến xem nghệ thuật hát Aday của Hậu Gian

NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng nghệ thuật hát Aday của người Khmer Nam Bộ là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, nếu được viết thành kịch bản, áp dụng với nhạc kịch sẽ tăng sức hấp dẫn.

Di sản văn hóa phi vật thể

Theo các nhà nghiên cứu, vào dịp lễ, Tết của đồng bào dân tộc ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, trai gái, già trẻ trong xóm tụ họp ở chùa để biểu diễn hát Aday. Từ Hậu Giang lan tỏa khắp các vùng có đông người dân Khmer Nam Bộ sinh sống. Nghệ nhân Thạch Sỹ Long (TP Cần Thơ) cho biết nghệ thuật hát Aday có nét tương đồng với đờn ca tài tử Nam Bộ (ĐCTT), chút khác biệt là nghệ thuật hát Aday có múa, còn ĐCTT Nam Bộ thì ca ra bộ.

Đưa hát Aday vào du lịch văn hóa - Ảnh 1.

Biểu diễn nghệ thuật hát Aday ở Hậu Giang. (Ảnh: SỞ VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH HẬU GIANG)

"Nhằm bảo tồn giá trị tiêu biểu của nghệ thuật hát Aday, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đưa hát Aday vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1676/QÐ-BVHTTDL ngày 26-5-2021. Đây là tin vui, cũng là nền tảng để nghệ thuật hát Aday hòa nhập đời sống cộng đồng mạnh mẽ hơn, qua đó đưa vào khai thác du lịch văn hóa dân gian" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.

Những người trong cuộc cho hay các tỉnh Nam Bộ hiện chú trọng việc đưa những loại hình nghệ thuật dân gian, trong đó có nghệ thuật hát Aday, vào khai thác du lịch.

"Sẽ rất thú vị khi du khách đến Hậu Giang, ghé ngã bảy Phụng Hiệp nghe "Tình anh bán chiếu" để tìm hiểu nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, sau đó đến xã Xà Phiên cùng hát múa Aday. Cách làm này sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - nghệ thuật của dân tộc, vừa giúp cải thiện đời sống của đồng bào Khmer vùng Nam Bộ" - Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn kỳ vọng.

Cùng nhau bảo tồn

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, nghệ thuật hát Aday của người Khmer Nam Bộ là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, mang đặc trưng riêng tồn tại trong các phum, sóc, gắn liền với các ngôi chùa và gia đình người bản địa. Nghệ thuật hát Aday thể hiện khả năng sáng tạo đa dạng, dựa theo chất liệu văn hóa dân gian nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí của cộng đồng.

Lời hát Aday phản ánh hiện thực đời sống kinh tế, văn hóa, thể hiện tình yêu đôi lứa, răn dạy đạo đức, nhắc nhở con người dùng điều thiện để bảo vệ hạnh phúc gia đình, chung sức lan tỏa những điều tốt đẹp trong đời sống cộng đồng.

Để nghệ thuật hát Aday ở Hậu Giang không đối mặt nguy cơ bị mai một, UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh xây dựng và triển khai đề án "Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016-2020".

Theo đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang sẽ phối hợp các cơ quan chuyên môn, củng cố các câu lạc bộ (CLB) hát Aday ở những xã có đông đồng bào Khmer sinh sống; mở các lớp tập huấn về nghệ thuật hát Aday; tổ chức cho các CLB giao lưu thường xuyên tạo sân chơi lành mạnh, qua đó phát hiện, chăm lo bồi dưỡng những nhân tố mới cho nghệ thuật độc đáo này.

Ông Phan Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang - cho biết sau khi nghệ thuật hát Aday được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, xã đã được đầu tư kinh phí từ nguồn vốn "Chương trình mục tiêu quốc gia" xây dựng 2 sân khấu phục vụ biểu diễn ở chùa ấp 4 và ấp 5, củng cố các CLB hát Aday.

Ông Danh Kỳ - Chủ nhiệm CLB hát Aday ấp 4, xã Xà Phiên - phấn khởi cho hay: "Ban đầu, nhiều bạn trẻ không tự tin khi hát Aday, động tác múa còn vụng về. Nhưng từ khi địa phương mở lớp rồi thành lập CLB, nhiều bạn trẻ đến sinh hoạt và được trang bị kỹ năng hát, múa nên đã ca diễn tốt hơn".

"Tôi sẽ cùng nhiều nghệ nhân khác nỗ lực truyền nghề cho con cháu, cho lớp trẻ, để cùng nhau bảo tồn và đưa bộ môn nghệ thuật này vào cuộc sống" - ông Danh Kỳ tâm huyết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :