Cuộc đối thoại đặc biệt ở đêm nhạc Trịnh Công Sơn
Dù tiết trời không thuận lợi nhưng chương trình "Đối thoại Trịnh Công Sơn – Tình yêu tìm thấy" đã lan toả một góc nhìn mới về nhạc Trịnh của thời đại.
Trước giờ diễn, cơn mưa trút xuống và kéo dài không dứt nhưng dòng người vẫn nối nhau qua cổng Ngọ Môn để men theo con đường cạnh bên điện Thái Hoà, trường lang… để đến với sân khâu của "Đối thoại Trịnh Công Sơn – Tình yêu tìm thấy" ở điện Kiến Trung - Đại nội Huế. Mưa đã khiến kịch bản phải thay đổi vào giờ chót để thích nghi. Theo dự kiến, đúng 20 giờ chương trình bắt đầu nhưng ban tổ chức đành đưa ra lời xin lỗi, trì hoãn để đợi tạnh mưa.
Đến gần 21 giờ 30 phút, dù vẫn còn mưa nhưng không để khán giả phải chờ đợi thêm nữa, ban tổ chức quyết định cho đêm nhạc bắt đầu sau khi sàn sân khấu được lau khô, lên các phương án "dã chiến" cũng như cho kiểm tra lại toàn bộ hệ thống âm thanh, ánh sáng.
Nhiều người ngậm ngùi, tiếc nuối phải rời khán đài khi chương trình chưa bắt đầu nhưng cũng có không ít khán giả chấp nhận bị ướt để thưởng thức những bài nhạc Trịnh. Bởi đó là một trong những chương trình được chờ đợi nhất của Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024. Họ nán lại để được nghe những bài hát mình yêu thích do các giọng ca "để đời" thể hiện, được thổi hồn bằng những chất liệu âm nhạc mới mẻ.
Chương 1 của "Đối thoại Trịnh Công Sơn - Tình yêu tìm thấy" có tên "Khung trời Huế", được mở đầu bằng âm thanh nhã nhạc cung đình kết hợp hò Huế. Lồng vào trong đó là giọng tự sự của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Qua đó, ban tổ chức muốn nói rằng: Nhạc Trịnh, ở một ý nghĩa riêng biệt, chính là "nét duyên" do "trời đất giao hoà", trở thành bảo vật của Huế nói riêng và của người Việt, của nhân loại nói chung. Một đêm đối thoại đặc biệt, để nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng gặp gỡ khán giả tại Huế, gửi lại "chút gì rất Huế" từ bản thân ông trong từng ca khúc được chọn lựa và kết hợp với những nhạc sĩ khác, tạo nên một đêm "giao hoà".
Nhạc Trịnh tạo được một dòng chảy riêng cho người Việt yêu tình ca. Nhưng nhạc Trịnh chưa bao giờ vị kỷ. Cùng với những nhạc sĩ tài hoa khác, nhạc Trịnh tạo nên một dòng chảy chung đáng tự hào cho nhạc Việt. Cuộc đối thoại của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những nhạc sĩ khác, tạo ra một bức tranh lớn của người Việt biết yêu thương lãng mạn, nồng nàn và đầy bao dung. Thế hệ nối tiếp thế hệ, Việt Nam vẫn đẹp như những bản tình ca còn mãi. Đó là thông điệp chương 2 mang chủ đề "Đối thoại tình ca: Huế - Sài Gòn - Hà Nội".
Và kết thúc đêm nhạc Trịnh Công Sơn là chương 3 với chủ đề "Tình yêu tìm thấy" với lời nhắn nhủ của ban tổ chức rằng "Nối tiếp cuộc đối thoại, đây là lời của thế hệ hiện tại, của khán giả hiện tại với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Ông và âm nhạc của ông chính là tính yêu tìm thấy giữa cuộc đời này".
Trong khung cảnh ấy, với một kịch bản như vậy, khán giả đã được nghe, được hoà mình vào những ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như Diễm xưa, Quỳnh hương, Gọi nắng… do các ca sĩ, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, Quang Dũng, Hà Trần, Đức Tuấn, Ngọc Khuê biểu diễn.
Cũng trong đêm nhạc này, người em gái của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu - cũng góp mặt với bộ sưu tập thời trang áo dài "Em đến từ nghìn xưa" được trình diễn bởi những người mẫu là các bạn trẻ xứ Huế.
Trịnh Công Sơn - người con xứ Huế - người viết tình ca hay nhất thế kỷ - là một "tình yêu tìm thấy" giữa cuộc đời này, của bao thế hệ người yêu nhạc. Cuộc đối thoại với Trịnh Công Sơn của thế kỷ mới, của thời đại mới, của những người nghệ sĩ khác, của khán giả trong thời cuộc khác, nhưng vẫn chung nhau một niềm yêu đời ngời sáng.
Với mục đích trở thành một trong những hoạt động giải trí cho du khách đến Huế. Lan toả một góc nhìn mới về nhạc Trịnh Công Sơn của thời đại. Tôn vinh giá trị di sản phi vật thể của Huế thông qua hình ảnh của một nhạc sĩ tài ba của Huế là Trịnh Công Sơn. Và nếu như trời Huế không mưa nặng hạt thì đêm nhạc sẽ thành công trọn vẹn hơn.
Một số hình ảnh tại "Đối thoại Trịnh Công Sơn - Tình yêu tìm thấy":