A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chương trình "Mai Vàng nhân ái" thăm nghệ sĩ Điền Tử Lang và Tài Bửu Bửu

Sáng 27-4, Chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm nghệ sĩ Điền Tử Lang và Tài Bửu Bửu.

Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã trao số tiền hỗ trợ cho nghệ sĩ Điền Tử Lang và Tài Bửu Bửu, mỗi người 5 triệu đồng.

Nghệ sĩ Điền Tử Lang và nỗi nhớ sàn diễn

Chúng tôi đến nhà của nghệ sĩ Điền Tử Lang trong một con hẻm nhỏ trên đường Bình Quới, quận Bình Thạnh, TP HCM để thăm ông, sau khi ông vừa xuất viện sau thời gian điều trị bệnh viêm túi mật tại Bệnh viện Nguyễn Trãi. 

Nghệ sĩ Điền Tử Lang tên thật Trần Văn Sáu, sinh ra ở quê hương Mỏ Cày, Bến Tre. Ông lên Sài Gòn theo nghiệp đờn ca tài tử. Ngày ông rời quê mới tròn 15 tuổi, với vốn liếng là 20 bài bản Tổ do nghệ nhân Hai Que truyền dạy.

Nghệ sĩ Điền Tử Lang có chất giọng rất độc đáo, mà giới chuyên môn nhận xét đó là chất giọng "đồng pha thổ". Chất giọng của ông có âm vực rộng, thấp, nhưng rất dày, là một chất giọng hiếm, khác với giọng đồng trong cao như: NSND Út Trà Ôn, NSND Minh Vương. Nhờ vậy ông ca vọng cổ rất mùi mẫn, vuốt câu rất nhẹ nhàng không cần cố sức, phát âm rõ chữ và da diết trong từng câu ca.

Trong suốt chặng đường trên 50 năm gắn bó với nghề, ông thường xuyên thu âm và tiếng ca của ông được phát sóng thường xuyên trên Đài phát thanh. Ông từng được báo chí Sài Gòn trước năm 1975 bầu chọn là "Vua ca Đài phát thanh", với hơn 2.000 bài ca cổ, hàng ngàn bài bản cải lương.

Ông được đoàn Thủ Đô mời về diễn vai kép chánh với nghệ sĩ Kiều Lệ Mai, sau đó ông cộng tác với đoàn Ánh Chiêu Dương của NSND Nguyễn Thành Châu. Ông từng được khán giả yêu mến qua vai Thi trong vở "Khi người điên biết yêu".

Kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời nghệ sĩ của ông là khi về đoàn Tân Hoa Lan, được hát chánh với "Sầu nữ" Út Bạch Lan trong vở cải lương "Vụ án kẻ ngoại tình" của tác giả Lê Khanh.

Sau ngày đất nước thống nhất ông công tác tại các sân khấu: Sống Chung, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Văn Công thành phố, Nhà hát Trần Hữu Trang... Dù chỉ diễn các vai phụ, thường xuyên được giao vai lão mùi, những vai diễn của ông đều để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả mộ điệu.

Chương trình Mai Vàng nhân ái thăm nghệ sĩ Điền Tử Lang và Tài Bửu Bửu - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Điền Tử Lang

Ông tiếp tục gắn bó với chương trình ca cổ, cải lương của Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM. Tác giả Trần Nam Dân lúc đó luôn dành cho ông sự yêu mến đặc biệt, nên những sáng tác của tác giả này đều có sự đóng góp của ông. Cả hai đã hợp tác rất thành công trong vở cải lương hài "Ong cắn". Từ đó, nghệ sĩ Điền Tử Lang "chết tên" khi khán giả nghe đài gọi ông bằng cái tên nhân vật "Tám Lúc Lắc".

NSND Ngọc Giàu từng nhận xét, có thể nói, nghệ sĩ Điền Tử Lang là giọng ca có tuổi thọ rất dài, cho tới những năm sau này ông vẫn sống được bằng cát sê đi hát của mình. "Tận tụy, yêu nghề và hết lòng với đồng nghiệp là một điều đáng quý khi nhắc về Điền Tử Lang" - NSND Ngọc Giàu nói.

Nghệ sĩ Điền Tử Lang là tấm gương cho sự cần cù, bền bỉ, lặng lẽ, mà lực diễn rất mãnh liệt. Ông có nhiều sáng tạo trong cách ca, diễn để thế hệ nghệ sĩ trẻ noi theo.

Chương trình Mai Vàng nhân ái thăm nghệ sĩ Điền Tử Lang và Tài Bửu Bửu - Ảnh 2.

Đại diện chương trình "Mai Vàng nhân ái" (bìa trái) trao số tiền hỗ trợ cho nghệ sĩ Điền Tử Lang (Ảnh: TẤN THẠNH)

Khi được nhận quà hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái", nghệ sĩ Điền Tử Lang nói: "Tôi cảm kích tấm lòng và sự quan tâm của ban tổ chức chương trình "Mai Vàng nhân ái". Nhắc đến chương trình này là nhớ đến giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động, ngoài việc tôn vinh giá trị nghệ thuật của nghệ sĩ trong năm, còn quan tâm đến đời sống, chia sẻ lúc khó khăn, đó là một điều đáng quý. Tôi nhớ sân khấu lắm, tuổi già, sức yếu rồi, không còn được ca diễn nữa, lại bệnh nặng, nhưng vẫn mong có cơ hội được bước lên sân khấu. Món quà này là động lực rất lớn đối với tôi" - Nghệ sĩ Điền Tử Lang bộc bạch.

Nghệ sĩ Tài Bửu Bửu đếm từng ngày được gặp "Mai Vàng nhân ái"

Nghệ sĩ Tài Bửu Bửu hiện đang bị nhiều bệnh như: tiểu đường, gout, viêm khớp, chân bị hoại tử do biến chứng của bệnh tiểu đường. Gia cảnh của ông rất khó khăn nên có nhiều đồng nghiệp nghệ sĩ trước đó đã kêu gọi hỗ trợ cho ông chữa bệnh.

"Nhận được sự hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái" tôi mừng lắm, có thêm tiền mua thuốc. Tôi cảm ơn chương trình đã giúp đỡ tôi trong giai đoạn khó khăn này" - Nghệ sĩ Tài Bửu Bửu xúc động nói.

Chương trình Mai Vàng nhân ái thăm nghệ sĩ Điền Tử Lang và Tài Bửu Bửu - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Tài Bửu Bửu và NSND Lệ Thủy

Nghệ sĩ Tài Bửu Bửu là một kép chánh nổi tiếng trên sân khấu cải lương, từng diễn vai kép chánh cho các đoàn như: Kim Chung 5, Sài Gòn 2, Nhà hát Trần Hữu Trang, Đoàn cải lương Hương Mùa Thu ... Sau này, ông còn viết kịch bản, được nhiều đoàn trong cả nước dàn dựng. Trong đó có vở ăn khách nhất là "Tình yêu và tên tướng cướp", đã được đoàn Nhân dân Kiên Giang và Nhà hát Trần Hữu Trang 2 dựng và biểu diễn.

Chương trình Mai Vàng nhân ái thăm nghệ sĩ Điền Tử Lang và Tài Bửu Bửu - Ảnh 4.

Đại diện chương trình "Mai Vàng nhân ái" (bìa trái) trao số tiền hỗ trợ cho nghệ sĩ Tài Bửu Bửu (Ảnh: TẤN THẠNH)

Ông có chất giọng trầm ấm, thể hiện những vai kép chánh rất điềm đạm. Khán giả yêu mến ông thường nhớ đến những vai: Lục Vân Tiên (Kiều Nguyệt Nga), Võ Tòng (Võ Tòng sát tẩu), Lê Nam (Gió ngựa đêm trăng), Bạch công tử (Cầu nguyệt mùa trăng), Long Hắc Tử (Đường về thôn trúc)…

Ông mong có đủ sức khỏe, vượt qua nỗi đau của bệnh tật để được sáng tác. Ông muốn được tiếp tục cống hiến cho nghề và khát vọng đó đã giúp cho ông vững niềm tin để chiến đấu với bệnh tật.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :