Cải lương tuồng cổ nỗ lực đổi mới
Năm đơn vị nghệ thuật xã hội hóa cải lương tuồng cổ không ngừng nỗ lực, sáng tạo để đưa loại hình nghệ thuật truyền thống này đến gần hơn với công chúng, nhất là giới trẻ
Khán giả đến Nhà hát Thành phố xem vở tuồng cổ "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài" tối 12-2 thật sự mãn nhãn trước sự đầu tư "đáng đồng tiền bát gạo" của Sân khấu Chí Linh - Vân Hà. Trong khi đó, Sân khấu Huỳnh Long, nhóm xã hội hóa Vũ Luân, nhóm nghệ sĩ Thanh Sơn, Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ… cũng không phụ lòng người xem vì đã nỗ lực thay đổi mạnh mẽ.
Tạo sự đột phá
Tại sao vẫn là các vở cũ, như "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài", mà khán giả vẫn đến xem đông? NSND Trần Minh Ngọc lý giải có 3 yếu tố để cải lương tuồng cổ có sức sống bền bỉ: Vở cũ có nội dung hấp dẫn, trình thức vũ đạo và phục trang đẹp mắt, cặp đào kép chính là ngôi sao được yêu thích.
Trên thực tế, nương theo 3 yếu tố này, các vở tuồng được chọn biểu diễn đầu năm nay đã khiến khán giả cảm thấy thỏa mãn. Để không bị lạc hậu, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng, công nghệ được đầu tư thỏa đáng; phục trang được cải tiến rực rỡ; dàn nhạc được chăm chút; kỹ xảo được xử lý kỹ lưỡng… Chẳng hạn, cảnh cuối trong vở "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài", cặp đôi nghệ sĩ Tú Sương - Võ Minh Lâm bay lượn trong không gian đầy sắc màu đã khiến khán giả xuýt xoa, mê đắm.
Một cảnh trong vở “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài” của Sân khấu Chí Linh - Vân Hà
Khán giả cũng cảm thấy thích thú khi được tiếp cận những đổi mới về cách dàn dựng, gửi vào câu chuyện cũ nhiều thông điệp thời sự của cuộc sống hiện đại thông qua nhân vật, lời thoại gần gũi, mang tính hài hước nhưng có tiết chế, không quá lạm dụng. Đó là dấu ấn thành công của một loạt vở cải lương tuồng cổ đầu năm 2022.
Thủ pháp dàn dựng tăng tiết tấu của các đạo diễn cũng làm khán giả thêm hứng khởi. Trước đây, cải lương tuồng cổ vốn được mặc định là các vở kinh điển, nội dung mùi mẫn, bi ai xen kẽ trình thức vũ đạo. Còn hiện nay, khi xem các vở này, khán giả lại thấy cải lương tuồng cổ gần gũi, dễ cảm, dễ hiểu và mang tính giải trí cao. Theo các nhà chuyên môn, đây là hướng đi đang được các đơn vị xã hội hóa lựa chọn để tạo sự đột phá trên cơ sở gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống, mang ý nghĩa như một cú hích để chuyển đổi chính mình.
Tìm hướng đi riêng
Nói đến cách tân cải lương tuồng cổ, không thể không đề cập những cố gắng của Sân khấu Huỳnh Long và Sân khấu Chí Linh - Vân Hà. Hai sân khấu này vừa cho ra mắt các vở diễn ấn tượng, hấp dẫn người xem.
NSƯT Vũ Linh nhận định với nhiều nét mới trong kỹ thuật dàn dựng - đưa những kỹ xảo, hiệu ứng công nghệ vào vở diễn và có sự đầu tư hệ thống âm thanh, ánh sáng… - các nghệ sĩ được tạo nhiều "đất" hơn để thỏa sức sáng tạo, làm mới cải lương tuồng cổ. "Mỗi sân khấu đã chọn một hướng đi riêng. Nỗ lực này đã góp phần lan tỏa, quảng bá các vở mới" - NSƯT Vũ Linh nhìn nhận.
Theo NSND Trần Minh Ngọc, trên cơ sở tập hợp những diễn viên trẻ tâm huyết với nghề, 5 đơn vị xã hội hóa hứa hẹn mang đến nhiều giá trị mới cho cải lương tuồng cổ trên hành trình tìm lại khán giả. "Tuy nhiên, mỗi hướng đi cần chọn mũi nhọn trọng tâm để đầu tư. Không thể cứ chọn mãi kịch bản cũ mà phải có sự bứt phá ngoạn mục trong hướng đi riêng của mỗi đơn vị" - ông kỳ vọng.
Trong khi đó, NSƯT - nhạc sĩ Minh Tâm cho rằng âm nhạc của cải lương tuồng cổ đóng một vai trò quan trọng, nếu bỏ qua sẽ là thiết sót. Trong hướng đi riêng của từng đơn vị, rất cần kết hợp sáng tạo giữa âm nhạc dân gian, dân ca, đờn ca tài tử với giai điệu cải lương tuồng cổ. "Muốn khán giả luôn kín chỗ trong những suất diễn, các đơn vị xã hội hóa cần đầu tư dàn nhạc chất lượng hơn" - NSƯT Minh Tâm góp ý.
Các sân khấu cải lương tuồng cổ đã nhận thấy những điều nêu trên. Từ việc dàn dựng, đầu tư cảnh trí, trang điểm, phục trang… cho đến phong cách diễn xuất đều có sự điều chỉnh, cải tiến để người xem không còn cảm giác cải lương tuồng cổ quá cường điệu mà đã gần gũi, bắt kịp hơi thở hiện đại.
Nhóm nghệ sĩ Thanh Sơn diễn tại Nhà Văn hóa Sinh viên qua nhiều chương trình giới thiệu các diễn viên trẻ đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Đoàn Minh Tơ diễn tại Sân khấu Sen Việt do nghệ sĩ Công Minh phụ trách cũng tạo được hiệu ứng tích cực qua các vở tuồng quy mô. "Sắp tới, tôi sẽ phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM để tạo hiệu ứng đồng bộ trong các vở diễn sử dụng trình thức hát bội, giới thiệu đến khán giả một sự hòa quyện mới trong dàn dựng" - nghệ sĩ Công Minh tiết lộ.
Sân khấu cải lương tuồng cổ không thể "sống" nếu thiếu khán giả. Các đơn vị tiếp cận người xem qua việc sử dụng những nền tảng số để quảng bá đã tạo sự hào hứng, thu hút khán giả đến rạp. Với các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung và sân khấu cải lương tuồng cổ tại TP HCM nói riêng, đổi mới từ nội dung vở diễn, hình thức dàn dựng cho đến diễn xuất, công nghệ quảng bá là yếu tố sống còn.
Tuy nhiên, không phải cứ thay đổi cho khác đi là sẽ làm mới được cải lương tuồng cổ. Mức độ đổi mới cần phải phù hợp, không thể chạy theo cách tân quá đà, đưa quá nhiều yếu tố của các loại hình nghệ thuật khác vào vì sẽ làm mất đi hồn cốt của cải lương tuồng cổ.
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng làm mới không có nghĩa là cắt xén vô tội vạ, khiến vở cải lương tuồng cổ mất đi chất tự sự, trữ tình đặc sắc. Diễn xuất cần đổi mới nhưng cũng phải giữ cho được mạch cảm xúc để vai diễn tạo ấn tượng.
"Cải lương tuồng cổ có sự giao thoa với các loại hình nghệ thuật khác. Nỗ lực làm mới phải trên cơ sở thấu đáo đặc trưng của nghề, nhất là với những vở về đề tài lịch sử vốn đòi hỏi phải làm đến nơi đến chốn. Vì vậy, rất cần sự quyết tâm, sáng tạo của từng đơn vị" - NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.