Bắc Ninh: Triển khai sữa học đường trên địa bàn từ năm học 2025 - 2026
Để tạo điều kiện phát triển thể lực, cải thiện tình trạng dinh dưỡng đối với trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trên địa bàn, từ năm học 2025 - 2026, tỉnh Bắc Ninh sẽ triển khai Chương trình Sữa học đường; dự kiến tổng kinh phí đầu tư trong 5 năm (2025 - 2030) trên 4.000 tỷ đồng, trong đó bình quân kinh phí mỗi năm học trên 813 tỷ đồng. Đây là nội dung quan trọng được các đại biểu thông qua tại Kỳ họp Thường kỳ UBND tỉnh Bắc Ninh sáng 9/7.
Cụ thể, mỗi bé nhà trẻ (thuộc cấp học giáo dục mầm non) được uống 5 hộp sữa 110ml/tuần trong 9 tháng thực học/năm học. Mỗi trẻ mẫu giáo (thuộc cấp học giáo dục mầm non), mỗi học sinh tiểu học được uống 5 hộp 180ml/tuần, trong 9 tháng thực học/năm học. Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các trường mầm non, tiểu học công lập trực tiếp tham gia Chương trình 1,0 mức lương cơ bản trường/tháng.
Dự kiến, kinh phí mua sữa 3.988,7 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2025 - 2030; trong đó, ngân sách Nhà nước trên 1.994 tỷ đồng, doanh nghiệp hỗ trợ trên 997 tỷ đồng, phụ huynh đóng góp trên 997 tỷ đồng. Còn lại là kinh phí hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên trực tiếp thực hiện chương trình, kinh phí tập huấn, bồi dưỡng…
Nguồn kinh phí thực hiện, đối với trẻ em mầm non và học sinh tiểu học, ngân sách của tỉnh hỗ trợ 50%, doanh nghiệp cung ứng sữa hỗ trợ 25%, phụ huynh đóng góp 25%. Đối với trẻ em, học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, con diện chính sách, con thương binh, con liệt sỹ, con người có công với cách mạng, trẻ khuyết tật, là người dân tộc thiểu số đang sinh sống và học tập ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn: Ngân sách của tỉnh hỗ trợ 75%, doanh nghiệp cung ứng sữa hỗ trợ 25%. Ngân sách tỉnh hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường mầm non, tiểu học công lập trực tiếp tham gia Chương trình…
Trước đó, Chương trình Sữa học đường đã được thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (cũ) từ giai đoạn 2020 - 2025 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sức khỏe trẻ em mầm non và học sinh tiểu học được nâng lên, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi ở mầm non giảm nhiều; tỷ lệ học sinh thấp, nhẹ cân hơn so với tiêu chuẩn ở tiểu học ngày càng giảm. Chương trình triển khai nền nếp, hiệu quả tốt trong ba giai đoạn 2013 - 2017, 2017 - 2020 và 2020 - 2025, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của các bậc phụ huynh, nhân dân và toàn thể cộng đồng./.
Thanh Thương