"Mai Vàng tri ân" thăm, tặng quà nhạc sĩ Lê Hàm
Nhận quà từ Chương trình "Mai Vàng tri ân" do Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân trao tặng, nhạc sĩ Lê Hàm xúc động bày tỏ sự quan tâm của chương trình là động lực cho nghệ sĩ tiếp tục có những sáng tác, cống hiến
Sáng 5-5, Chương trình "Mai Vàng tri ân" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã thăm, tặng quà nhạc sĩ Lê Hàm (89 tuổi, trú phường Trường Thi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An).
Thay mặt Chương trình "Mai Vàng tri ân", Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân cùng các đại biểu thăm hỏi, động viên và trao bằng chứng nhận cùng tiền hỗ trợ 10 triệu đồng tới nhạc sĩ Lê Hàm. Ảnh: Đức Ngọc
Ghi nhận những đóng góp của nhạc sĩ Lê Hàm, thay mặt Chương trình "Mai Vàng tri ân", Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã gửi lời thăm hỏi, động viên và trao bằng chứng nhận cùng tiền hỗ trợ 10 triệu đồng tới nhạc sĩ. Tổng Biên tập Báo Người Lao Động chúc nhạc sĩ luôn khỏe mạnh, có thêm nhiều sáng tác đóng góp vào sự phát triển của âm nhạc, bảo tồn, phát triển những làn điệu dân ca xứ Nghệ.
Đón nhận món quà từ Chương trình "Mai Vàng tri ân", do Báo Người Lao Động với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á trao tặng, nhạc sĩ Lê Hàm xúc động bày tỏ: "Thời gian qua, tôi biết đến chương trình "Mai vàng tri ân" đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho nhiều văn nghệ sĩ, trí thức có đóng góp, cống hiến cho nghệ thuật trên cả nước. Đây là chương trình vô cùng ý nghĩa, giúp cho anh em văn nghệ sĩ chúng tôi có thêm những động lực để tiếp tục sáng tác, cống hiến cho xã hội".
Thay mặt Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trí Dũng, Phó chủ tịch Thường trực Hội, đã gửi lời cảm ơn chân thành đến chương trình "Mai Vàng tri ân" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á. "Tôi rất xúc động vì dù xa xôi như thế nhưng đại diện chương trình vẫn đích thân đến thăm hỏi, trao quà tặng nhạc sĩ Lê Hàm, người có nhiều đóng góp cho hoạt động nghệ thuật của Việt Nam nói chung và xứ Nghệ nói riêng. Thay mặt lãnh đạo Hội, tôi vô cùng cảm ơn quý báo. Mong rằng chương trình sẽ tiếp tục đồng hành với các văn nghệ sĩ cả nước để góp phần giúp đỡ các văn nghệ sĩ vượt qua những khó khăn, cống hiến hết mình vì nghệ thuật" - Phó Giáo sư Đinh Trí Dũng bày tỏ.
Được biết, nhạc sĩ Lê Hàm còn có bút danh La Kỳ An, Lam Hà. Ngoài tham gia Hội Nhạc sĩ, ông còn là hội viên Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp từ nhỏ. Năm 1951 vào Văn công Sư đoàn 320. Năm 1954 chuyển về Phòng Văn hóa Liên khu IV. Năm 1956 về học tại Khoa sáng tác - Trường Âm nhạc Việt Nam.
Thay mặt Chương trình "Mai Vàng tri ân", Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân cùng các đại biểu thăm hỏi, động viên nhạc sĩ Lê Hàm. Ảnh: Đức Ngọc
Ông từng phụ trách lĩnh vực về âm nhạc tại Đặc khu Vĩnh Linh. Sau đó, ông lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng đoàn Văn công Nghệ Tĩnh, Phó Tổng thư kí Hội Văn học-Nghệ thuật Nghệ Tĩnh, Giám đốc Nhà văn hóa Lao động, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật kiêm Phó Tổng thư kí Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Nghệ An, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Thanh - Nghệ - Tĩnh.
Nhạc sĩ Lê Hàm là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng. Ông đã viết hàng trăm ca khúc nổi tiếng một thời như: "Tiếng hát bất khuất", "Gái Sông La", "Dâng lên Đảng những công trình mới", "Vinh - Thành phố bình minh", "Về hội làng Sen", "Người mẹ làng Sen", "Hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc Việt Nam"... Với những sáng tác trong hơn 70 năm của mình, nhạc sĩ Lê Hàm xứng đáng với tên gọi "cây đại thụ của nền âm nhạc xứ Nghệ".
Ngoài sáng tác, nhạc sĩ Lê Hàm còn dành nhiều tâm huyết đối với việc bảo tồn, trao truyền, phát huy những làn điệu dân ca, nhất là dân ca Ví - Giặm xứ Nghệ. Tâm huyết ấy được thể hiện qua nhiều bài báo, tham luận, nghiên cứu về dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh.
Năm 2022 vừa qua, nhạc sĩ Lê Hàm vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước với chùm 3 tác phẩm âm nhạc: "Người mẹ Làng Sen", "Gái sông La", "Việt Nam trong trái tim ta".