Xuất khẩu nông sản 2023: Kỳ vọng những mặt hàng chủ lực
Năm 2023, tình hình thế giới được dự báo có nhiều khó khăn, doanh nghiệp đối diện với tình trạng sụt giảm đơn hàng, song việc thị trường Trung Quốc vừa mở cửa và động lực tăng trưởng từ năm 2022 đang giúp xuất khẩu nông sản Việt Nam kỳ vọng đạt mục tiêu 55 tỷ USD.
Xuất khẩu rau quả Việt Nam dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2023 |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), năm 2022, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt hơn 53,2 tỷ USD (tăng 4,6 tỷ USD so với năm 2021), cao nhất từ trước đến nay.
Đóng góp cho sự tăng trưởng toàn ngành, đáng chú ý có tới 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD ( gồm gỗ và sản phẩm lâm sản đạt 17 tỷ USD; tôm 4,3 tỷ USD; cà phê 4 tỷ USD; gạo 3,5 tỷ USD; cao su 3,3 tỷ USD; rau quả 3,3 tỷ USD; hạt điều 3,1 tỷ USD).
Trong cơ cấu xuất khẩu của ngành nông nghiệp, năm 2022 thủy sản trở thành “ngôi sao” sáng nhất giúp nông nghiệp có một năm bội thu. Trong đó, mặt hàng tôm và cá tra liên tiếp lập kỷ lục nhờ nhu cầu tăng vọt và giá bán cao, giúp thủy sản chính thức gia nhập “câu lạc bộ” xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Ngoài ra, mặt hàng phân bón, và thức ăn gia súc, nguyên liệu cũng lần đầu tiên cũng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Ngành gỗ dự báo vẫn duy trì đà tăng trưởng
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn, quan trọng đối với hàng thủy sản Việt Nam. Năm 2022, dù trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt khoảng 1,8 tỷ USD, tăng gần 90% so với năm ngoái.
“Dự báo sau khi mở cửa, nhu cầu thủy sản từ thị trường này sẽ bùng nổ giống như với thị trường châu Âu, Mỹ sau dịch COVID-19 trong các năm 2020, 2021 và bù đắp được lượng đơn hàng sụt giảm từ các nước này. Đặc biệt, hiện tại số lượng DN xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc lớn nhất, tạo cơ hội cho các DN Việt dễ dàng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường hơn tỷ dân”, ông Hòe nói.
Trong khi đó, ngành rau quả dự báo cũng sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2023. Đặc biệt, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ đóng góp lớn vào kim ngạch chung của ngành nông nghiệp, bù đắp được sự sụt giảm ở các thị trường khác chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả đánh giá, xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc sẽ tăng rất mạnh, dự báo đạt kim ngạch ít nhất 2,5 tỷ USD, thậm chí có thể cán mốc 3 tỷ USD. Trong đó, quả thanh long, sầu riêng dự kiến mỗi loại sẽ cán mốc trên 1 tỷ USD.
Ngoài ra, với việc hàng loạt Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch vừa có hiệu lực, xuất khẩu xoài, chuối sang thị trường này có thể đạt kim ngạch từ 300 - 500 triệu USD; xuất khẩu mít sẽ đạt trên 150 triệu USD.
Bước sang năm 2023, thị trường thế giới dự báo có nhiều biến động khi nhu cầu tại một số nước như Mỹ, Anh cũng như nước châu Âu…đang có xu hướng giảm nhiệt. Đơn hàng xuất khẩu của DN tại những thị trường này bắt đầu giảm dần. Tuy vậy, động lực của DN đến từ thị trường Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (chiếm 19,2% thị phần tiêu thụ nông sản của Việt Nam) vừa thông báo mở cửa giúp xuất khẩu sang thị trường này đang tăng mạnh trở lại. |
Ngành gỗ và lâm sản (chiếm hơn 30% trị giá hàng hóa xuất khẩu của ngành nông nghiệp) cũng được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, năm 2022, được xem là năm khó khăn nhất từ trước đến nay đối với ngành gỗ. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn đạt 7,1% với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 17 tỷ USD.
Năm 2023, ngành gỗ kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng 7-9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên. Nếu không có nhiều thay đổi, dự kiến đến quý 2, các đơn hàng cơ bản được khôi phục, đạt khoảng 82-85%. Đây được xem là điểm khởi sắc trong năm mới.
Để làm được điều này, theo ông Lập, ngành gỗ cần tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN bằng việc đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, giảm sử dụng gỗ nhập khẩu; phối hợp các địa phương xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ quốc tế lớn...