A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu hồ tiêu năm 2025 dự báo có nhiều thuận lợi

Năm 2025, sản lượng hồ tiêu toàn cầu dự báo tiếp tục giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ ổn định là động lực tạo đà cho xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam năm nay.

Xuất khẩu hồ tiêu sang Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng kỷ lục

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 250.600 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 220.269 tấn, tiêu trắng đạt 30.331 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,32 tỷ USD, trong đó, tiêu đen đạt gần 1,18 tỷ USD, tiêu trắng đạt 200,6 triệu USD. So với năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 5,1%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 45,4%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen năm 2024 đạt 5.154 USD/tấn, tăng 49,7% và tiêu trắng đạt 6.884 USD/tấn, tăng 38,9% so với năm ngoái.

Trung Quốc giảm nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam đến 82,4%  (Ảnh: Minh họa)

Xuất khẩu hồ tiêu sang Hoa Kỳ tăng kỷ lục về lượng. Ảnh minh họa

Olam Việt Nam là doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất trong năm 2024, đạt 27.800 tấn, chiếm 11,1% và so với năm 2023 xuất khẩu tăng 36,9%. Tiếp theo là các doanh nghiệp: Phúc Sinh đạt 22.293 tấn, chiếm 8,9% tăng 41,1%; Nedspice Việt Nam đạt 20.420 tấn, chiếm 8,1% tăng 6,4%; Haprosimex JSC đạt 17.899 tấn, chiếm 7,1% tăng 63,8%; Trân Châu đạt 16.210 tấn, chiếm 6,5% giảm 2,0% so với năm 2023.

Ngoài ra, cũng có một số doanh nghiệp khác có lượng xuất khẩu tăng đột biến như Simexco Đắk Lắk đạt 13.352 tấn, tăng 150,3%; Liên Thành đạt 12.224 tấn, tăng 32,4%; Intimex Group đạt 5.171 tấn, tăng 42,8%; Sinh Lộc Phát đạt 4.119 tấn, tăng 50,7%; Hanfimex đạt 3.426 tấn, tăng 68,2%.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024, đạt 72.311 tấn, chiếm 28,9% và tăng 33,2% so với năm 2023, đây cũng là lượng xuất khẩu kỷ lục cao nhất từ trước tới nay, tăng 21% so với năm kỷ lục trước đó là 2021 đạt 59.778 tấn.

Tiếp theo là các thị trường: UAE đạt 16.391 tấn, tăng 35,1% chiếm 6,5%; Đức đạt 14.580 tấn, tăng 58,2% chiếm 5,8%; Hà Lan đạt 10.745 tấn, tăng 35,2% chiếm 4,3%; Ấn Độ đạt 10.617 tấn, giảm 17,1%, chiếm 4,2%.

Nhập khẩu của Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 6 đạt 10.549 tấn, giảm 82,4% và chiếm 4,2% thị phần.

Số lượng và giá trị xuất khẩu hồ tiêu từ năm 2022-2024 (ĐVT: Tấn, triệu USD)

Số lượng và giá trị xuất khẩu hồ tiêu từ năm 2022-2024 (ĐVT: Tấn, triệu USD)

Ở chiều ngược lại, năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 36.727 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 31.755 tấn, tiêu trắng đạt 4.972 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 176,2 triệu USD, so với năm 2023 lượng nhập khẩu tăng 38,4%, kim ngạch tăng 99,5%.

Indonesia, Brazil và Campuchia là 3 quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam đạt 17.194 tấn, 9.558 tấn và 6.798 tấn, trong đó nhập khẩu từ Indonesia và Campuchia tăng 431,2% và 80,7% trong khi đó nhập khẩu từ Brazil giảm 42,4%.

Olam Việt Nam là doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất đạt 12.462 tấn, tăng 36,5% và chiếm 33,9% thị phần, tiếp theo là các doanh nghiệp Trân Châu đạt 4.167 tấn, Harris Spice đạt 2.379 tấn, Phúc Sinh đạt 1.999 tấn và Phúc Thịnh đạt 1.920 tấn.

Giá nội địa trong 3 tháng cuối năm 2024 không có nhiều biến động và duy trì ở mức bình quân 140.000 - 150.000 đồng/kg. So với thời điểm đầu năm, giá nội địa tiêu đen tăng 75,6% và tiêu trắng tăng 68,8%, tương tự giá xuất khẩu cũng tăng 30,7% đối với tiêu đen và 28,6% đối với tiêu trắng.

Dự báo sản lượng hồ tiêu sẽ tiếp tục sụt giảm

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong năm 2024 phần nào ảnh hưởng đến việc sản xuất hồ tiêu của người nông dân. Tuy nhiên, một số khu vực các tỉnh lại ghi nhận diễn biến tình hình thời tiết thuận lợi.

Số lượng và giá trị xuất khẩu hồ tiêu từ năm 2022-2024 (ĐVT: Tấn, triệu USD)

Số lượng và giá trị xuất khẩu hồ tiêu từ năm 2022-2024 (ĐVT: Tấn, triệu USD)

Tại Đắk Nông, thủ phủ của hồ tiêu Việt Nam, sản lượng được ghi nhận tương đương năm ngoái. Sản xuất tại một số khu vực tại các tỉnh trọng điểm còn lại như Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có chiều hướng tích cực khi giá hồ tiêu tăng nên người nông dân mạnh dạn đầu tư chăm sóc, phục hồi vườn tiêu hiện có.

Trong khi đó tại tỉnh Đắk Lắk, tỉnh có diện tích và sản lượng hồ tiêu lớn thứ 2, được đánh giá là giảm khi người dân chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng và không có nhiều hiện tượng trồng mới. Dự kiến phải qua Tết Nguyên Đán nông dân mới bắt đầu thu hoạch Hồ tiêu và kéo dài đến hết tháng 4/2025.

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2025 được dự báo tiếp tục giảm so với năm 2024, đánh dấu năm giảm thứ tư liên tiếp kể từ năm 2022. Điều này phản ánh thực trạng cây hồ tiêu không còn là cây trồng chủ lực của nhiều nông dân, đặc biệt trong bối cảnh giá trị kinh tế của các cây trồng khác như sầu riêng, cà phê và cọ dầu gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm giảm năng suất và gia tăng chi phí duy trì sản xuất cây hồ tiêu.

Nhận định về thị trường xuất khẩu, bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam – cho hay, năm 2024, Trung Quốc giảm nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam đến 82,4% nhưng tăng nhập khẩu từ Indonesia 76,8%. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu tăng này vẫn chưa đủ đáp ứng tổng nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc.

Tồn kho hồ tiêu tại thị trường này đang ở mức thấp, trong khi kỳ vọng giá giảm không thành hiện thực do giá duy trì ổn định ở mức 140.000 đồng/kg trong suốt 3 tháng qua. Dự báo, Trung Quốc có thể sẽ chờ đến vụ thu hoạch chính của Việt Nam (sau Tết Nguyên Đán) để bắt đầu mua trở lại.

Giá hồ tiêu toàn cầu năm 2025 được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức cao do nguồn cung sụt giảm, trong khi nhu cầu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu vẫn ổn định. Nhu cầu sử dụng hồ tiêu trong ngành thực phẩm và chế biến gia vị vẫn là động lực chính cho thị trường.

Về phía doanh nghiệp, ông Hồ Trí Nhuận - Giám đốc Công ty TNHH Gohan - cho biết, với những nhận định về nguồn cung, nhu cầu thị trường, năm 2025 xuất khẩu hồ tiêu có nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều yếu tố khó lường.

Cụ thể, nhu cầu của thị trường ổn định, sản lượng một số nơi giảm sẽ giúp giá tiêu tiếp tục giữ ở mức cao. Tuy nhiên, tùy vào nhịp độ mua hàng của các thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, Trung Quốc mà biên độ tăng giá có thể tăng mạnh hoặc chỉ khoảng 10 -15% so với hiện nay.

Cũng theo ông Hồ Nhuận Trí, dự báo, Trung Quốc sẽ tăng mua ngay khi Việt Nam vào vụ thu hoạch chính vào tháng 3 – 4/2025, trong khi Hoa Kỳ có thể mua chậm hơn do trữ lượng tồn kho từ năm 2024 nhiều. Hồ tiêu Việt Nam cũng sẽ chịu áp lực cạnh tranh từ các đối thủ sản xuất hồ tiêu khác. Doanh nghiệp cần theo sát diễn biến thị trường và động thái mua hàng từ các đối tác để có kế hoạch thu mua, dự trữ, chuẩn bị dòng tiền phù hợp, vừa tăng sản lượng, kim ngạch xuất khẩu vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Việt Nam và Brazil vẫn giữ vững vị trí là hai quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới trong năm 2024. Tuy nhiên, Indonesia đã nổi lên như một nhà cung cấp đáng kể, nhất là khi Việt Nam và Brazil gặp tình trạng mất mùa năm vừa qua.

Trong năm 2025, dự báo sản lượng của Brazil sẽ phục hồi, trong khi Indonesia có thể giảm sản lượng do những khó khăn trong đầu tư và điều kiện thời tiết không thuận lợi. Ấn Độ, một quốc gia tiêu thụ lớn, cũng dự báo giảm sản lượng do ảnh hưởng từ mưa lũ, dẫn đến việc nông dân hạn chế đầu tư và thanh lý hàng tồn kho khi giá nội địa giảm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :