A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu bứt phá ấn tượng

Để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, cần hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ hơn về vốn tín dụng, chi phí logistics, giá nguyên vật liệu...

Trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù tiếp tục phải đối mặt nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine… nhưng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm ước đạt 185,94 tỉ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu ước đạt 710 triệu USD.

Giữ vững thị trường truyền thống

Trong tháng 6-2022, điểm sáng xuất khẩu thuộc về ngành thủy sản với kim ngạch ước đạt 1,05 tỉ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 5,7 tỉ USD, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng trưởng kỷ lục của ngành, nhờ nhu cầu của thị trường thế giới đối với thủy sản Việt Nam tăng cao.

Bên cạnh thủy sản, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nói chung trong 2 quý đầu năm với kim ngạch ước tính 159 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Ngoài ra, xuất khẩu sản phẩm dệt may cũng tăng trưởng vượt bậc với kim ngạch ước khoảng 22 tỉ USD trong nửa đầu năm, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu bứt phá ấn tượng - Ảnh 1.

Dệt may là một trong những lĩnh vực ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu tốt trong 6 tháng đầu năm 2022 Ảnh: MINH PHONG

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ - Tổng cục Thống kê, đánh giá mức tăng trưởng xuất khẩu đạt 2 con số cho thấy sự bứt phá ngoạn mục trong bối cảnh có nhiều khó khăn. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa chủ lực sang các thị trường truyền thống luôn giữ vững đà tăng trưởng ổn định. "Dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, nhu cầu về tiêu dùng và sản xuất của thế giới đang ngày càng tăng cao cùng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết sẽ giúp chúng ta có nhiều lợi thế cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm" - ông Phong nhìn nhận.

Hóa giải thách thức

Đại diện Tổng cục Thống kê thừa nhận trong thời gian tới, doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với giá nguyên - nhiên - vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu tăng cao, kéo theo hàng hóa xuất khẩu gặp áp lực về cạnh tranh.

Về phía ngành hàng, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho rằng những biến động lớn ở nhiều thị trường tiêu thụ khiến DN trong nước phải cân nhắc sẽ tiếp tục nhận đơn hàng sản xuất hay tạm dừng. Bởi lẽ, nếu không tính toán kỹ lưỡng, tác động của giá nguyên phụ liệu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho hay dù công ty đã có đơn đặt hàng đến hết quý III/2022, thậm chí một số mặt hàng thế mạnh như veston hay áo sơ-mi đã có đơn hàng đến hết năm nay nhưng DN vẫn lo ngại nếu thị trường tiêu thụ chậm, tỉ lệ tồn kho của các nhà nhập khẩu tăng lên thì đơn hàng có thể bị điều chỉnh hoặc hủy đột ngột.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), cho biết dù DN trong ngành đã hồi phục sản xuất mạnh mẽ và có nhiều đơn hàng song phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, như: tỉ lệ tồn kho cao với khoảng 40%, chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động. Đặc biệt, việc đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu khi Trung Quốc là nơi cung cấp nguyên liệu chính vẫn theo đuổi chính sách "zero Covid-19" khiến DN gặp không ít khó khăn.

Để hóa giải khó khăn, VITAS kiến nghị Bộ Công Thương phát huy hiệu quả vai trò của các tham tán thương mại tại nước ngoài trong việc tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường cung ứng nguyên liệu, kết hợp hỗ trợ DN dệt may tiếp cận các nguồn cung tin cậy, có giá thành tốt. Ngành hàng chủ lực xuất khẩu này cho rằng việc tìm kiếm nguồn cung mới sẽ giúp giảm thiểu rủi ro do phụ thuộc cực đoan vào một thị trường cung ứng và tăng sức cạnh tranh cho DN Việt.

Nhận diện rõ thách thức trong việc duy trì đà khởi sắc của xuất khẩu, đặc biệt là bảo đảm cán cân thương mại xuất siêu, Bộ Công Thương cho biết sẽ hỗ trợ DN về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Cùng với đó, bộ cũng sẽ theo dõi sát những biến động của tình hình thế giới, chủ động đánh giá tác động đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời ứng phó.

Không đứng ngoài cuộc, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng như VITAS, LEFASO, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam... về khó khăn trong hoạt động xuất khẩu cùng những kiến nghị thiết thực. Tại đây, các DN, hiệp hội đồng loạt kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu giải pháp để giảm giá xăng dầu, giảm giá nguyên vật liệu và chi phí logistics, hỗ trợ DN trong kế hoạch sản xuất - kinh doanh 6 tháng cuối năm. Quan trọng nhất, theo các DN, là việc tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng để kết nối, huy động nguồn vốn hiệu quả. Trước những kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết bộ sẽ tổng hợp, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, dự kiến vào hôm nay, ngày 4-7. 

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,96 tỉ USD, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc với kim ngạch 26,3 tỉ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 60,9 tỉ USD, chiếm gần 33% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Việt Nam dù không có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Nga và Ukraine song đây là 2 quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản cho Việt Nam, như: lúa mì, than, phân bón, sản phẩm kim loại..., nên khi xung đột kéo dài sẽ tác động đến giá cả đầu vào.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :