Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam
Để xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt Nam, các doanh nghiệp phải khẳng định bản sắc, chú trọng duy trì chất lượng ổn định tạo niềm tin cho người tiêu dùng
Nâng tầm thương hiệu
Không những vậy, những năm gần đây, cơ cấu gạo của nước ta liên tục thay đổi theo hướng tăng tỉ trọng loại chất lượng, giá trị cao và giảm loại phẩm cấp thấp.
Theo ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex - qua những chuyến làm việc nước ngoài, ông nghe khách hàng nhận xét Việt Nam không chỉ lo đủ lương thực cho người dân mà còn bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới.
Ngành gạo Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả, như có bộ giống chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nổi bật là các giống gạo ST (ST21, ST24, ST24), giá chỉ tăng chứ không lên xuống thất thường, bất chấp giá gạo thế giới giảm sau khi Ấn Độ quay trở lại thị trường. Lý do đơn giản vì đây là loại gạo người tiêu dùng thích ăn và khả năng cung ứng ở phân khúc này vẫn chưa đủ.
"Trên khắp đồng ruộng ĐBSCL hiện nay, các giống Đài Thơm 8, OM18, OM5451... chiếm lĩnh và người trồng đạt được hiệu quả kinh tế cao do được các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu ưa chuộng. Đây là những loại gạo mà người tiêu dùng Philippines rất yêu thích" - ông Đỗ Hà Nam thông tin.
Ông Đỗ Hà Nam cho biết vừa qua, Tổng thống Philippines đã làm việc với các nhà nhập khẩu nước này và đặt vấn đề vì sao thuế nhập khẩu gạo đã giảm từ 35% xuống 15% nhưng giá gạo Việt Nam tại Philippines vẫn đắt? Câu trả lời đơn giản là vì người dân Philippines thích ăn gạo Việt Nam, dù giá gạo Việt Nam không còn rẻ nhưng họ vẫn mua. Như vậy, gạo Việt Nam đã có "thương hiệu" tại thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới này.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành 4 (tỉnh Vĩnh Long), dẫn các thống kê từ Philippines cho thấy thị phần gạo nhập khẩu của Việt Nam thường chiếm 70%-80%. Người dân nước này rất thích gạo Việt Nam dù giá cao hơn 20% (hơn 100 USD/tấn) gạo Ấn Độ.
"Từ nhiều năm trước, chúng tôi đã phối hợp với đối tác nhập khẩu xây dựng thương hiệu gạo chung để người tiêu dùng biết đến. Nhờ vậy, giá bán của chúng tôi cao hơn thị trường từ 10-30 USD/tấn" - ông Thành giải thích.
Nông dân Nguyễn Văn Út (ngụ huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết ông đang trồng hơn 1 ha lúa. Hơn 5 năm nay, ông đều gắn bó với ST25 vì đây là giống lúa có giá bán cao hơn các giống khác, thương hiệu được nhiều người biết đến nên việc bao tiêu cũng dễ dàng hơn mỗi khi thu hoạch.
"Nông dân chúng tôi mong muốn sẽ có một thương hiệu gạo Việt Nam được công nhận. Việc này sẽ giúp giá lúa, gạo cũng như chuyện bao tiêu cho nông dân được ổn định. Xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam là việc rất cần thiết, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ" - ông Út bày tỏ.
Chú trọng chất lượng, tạo niềm tin cho thị trường
Với góc độ quản lý, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng đã đến lúc phải định hình lại việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Theo ông Hòa, các DN phải tự khẳng định bản sắc sản phẩm, chú trọng duy trì chất lượng ổn định, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Đó mới là xây dựng thương hiệu.
"Một số DN Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu gạo và tạo dựng chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Chẳng hạn, thương hiệu gạo ST25 của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua đã nhiều lần giành được danh hiệu "Gạo ngon nhất thế giới", mang lại niềm tự hào cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Thành công của ST25 đã tạo tiền đề để ngành gạo Việt Nam nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế" - ông Hòa kỳ vọng.
Dù vậy, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng quá trình xây dựng thương hiệu phải mất nhiều năm, khi DN phải nghiên cứu thị trường về khẩu vị, thị hiếu bao bì, tổ chức các chương trình khuyến mãi, gửi mẫu cho khách dùng thử... Ở giai đoạn đó, bán gạo thương hiệu không lời bằng gạo xá.
"Để bán gạo mang thương hiệu riêng, DN cần chọn lọc kỹ, bảo đảm chất lượng ổn định, đồng đều. Ngoài việc đóng gói theo từng giống, DN còn có thể phối trộn nhiều giống gạo theo công thức riêng, sao cho phù hợp sở thích người tiêu dùng, từ đó tạo giá trị gia tăng" - ông Thành nêu kinh nghiệm.
Theo ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, vấn đề xây dựng thương hiệu gạo đã được đặt ra từ rất lâu. Đến nay, thương hiệu ST25 đã được nhiều quốc gia trên thế giới tiếp nhận nhưng chưa chiếm tổng thể và đại diện cho các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam.
"Nếu nói việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam chưa thành công là không đúng. 3-4 năm trở lại đây, thương hiệu gạo Việt Nam đã thành công, dù chưa có giống nào đại diện. Hiện nay, Philippines mỗi năm nhập khẩu của Việt Nam vài triệu tấn gạo và năm 2024 chắc chắn trên 4 triệu tấn. Điều này khẳng định gạo Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu, lòng tin của người tiêu dùng trong nước và thế giới" - ông Bình nhận định.
Ông Bình cho rằng việc xây dựng thương hiệu gạo phải tính từ đồng ruộng đến bàn ăn, bảo đảm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tức là, xây dựng chuỗi giá trị từ giống, phương pháp gieo sạ, chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng ở từng quốc gia, khu vực.
Nhìn từ 3 quốc gia đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu gạo trên thế giới là Ấn Độ, Thái Lan và Campuchia, ông Hồ Quang Cua đề xuất giải pháp giữ lại hương thơm đặc trưng trong hạt gạo. Theo ông, sở thích của người tiêu dùng khác nhau nhưng hương thơm trong hạt gạo là tinh túy và các nước đều chọn gạo thơm làm tiêu chuẩn để xây dựng thương hiệu.
Ngoài ra, trong quá trình canh tác, nông dân cần chú ý các yếu tố như: Hạn chế phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hóa học; chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học; tránh lúa trổ chín vào thời điểm mưa dầm hoặc nắng nóng... để giữ hương vị tự nhiên của hạt gạo.
Cần quan tâm chất lượng, nhãn hiệu
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, nêu thực tế ngày càng có nhiều người và tổ chức quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là nhãn hiệu.
Ông Bảy nhắc lại trước đây, người tiêu dùng đi mua gạo tại các cửa hàng với nhiều chủng loại đựng trong thúng; sau khi cân xong thì bỏ vào túi xách về. "Còn bây giờ, người tiêu dùng có xu hướng chọn những túi gạo có nhãn hiệu. Vì vậy, chúng ta cần phải quan tâm đến chất lượng và nhãn hiệu" - ông nhấn mạnh, dẫn chứng từ những túi gạo ST25.