VASEP: Nhu cầu tiêu thụ tôm ở Mỹ và Trung Quốc vẫn cao
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết ngành sản xuất tôm ở Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung đang trải qua nhiều biến động, tạo ra cả cơ hội và thách thức.
Tổ chức này dự báo rằng sản lượng tôm toàn cầu giảm trong nửa đầu năm 2024. Mặc dù vậy, nhu cầu tiêu thụ tôm vẫn duy trì ở mức cao, đặc biệt là tại các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc. “Để duy trì và phát triển ngành tôm, các nước sản xuất cần chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm”, VASEP nhận định.
Tại Việt Nam, ngành tôm đang đối mặt với nhiều khó khăn như ao nuôi lão hóa, dịch bệnh và chi phí sản xuất tăng cao. Đặc biệt, dịch bệnh TPD (bệnh đốm trắng) được dự báo sẽ diễn biến phức tạp hơn, gây áp lực lớn lên sản lượng tôm. VASEP nhấn mạnh rằng cần có những giải pháp căn cơ như cải tạo ao nuôi, áp dụng công nghệ mới và phòng chống dịch bệnh hiệu quả để khắc phục tình trạng này.
Chưa hết, ngành tôm Việt còn đối mặt với các đơn kiện chống trợ cấp từ phía Mỹ. Tiến sĩ Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) cho biết cuối tháng 3/2024, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố mức thuế sơ bộ vụ kiện này là 2.84%. “Mức thuế này thấp hơn so mức thuế tương ứng cho ngành tôm Ấn Độ và Ecuador nhưng lại là lực cản không nhỏ, vì lâm vào vụ kiện tranh chấp thương mại ở Mỹ là vướng vào một tình huống phức tạp và khả năng kéo dài và rủi ro vô chừng”, ông nhận định.
Trong khi đó, Ở Ecuador, mặc dù sản lượng tôm được dự báo giảm so với năm trước, nước này vẫn duy trì vị thế dẫn đầu về sản xuất tôm toàn cầu. Các trang trại quy mô nhỏ đang gặp khó khăn do chi phí tăng cao, trong khi các trang trại quy mô vừa có xu hướng sáp nhập để tăng sức cạnh tranh. Dịch bệnh vẫn là một thách thức lớn đối với ngành tôm Ecuador, đòi hỏi các biện pháp quản lý và phòng ngừa hiệu quả.
Tại Indonesia, sản xuất tôm đang trì trệ do nhiều yếu tố, đặc biệt là vấn đề dịch bệnh. Theo VASEP, việc cải tiến kỹ thuật nuôi, đặc biệt là kỹ thuật phòng ngừa dịch bệnh, là rất cần thiết để ngành tôm Indonesia phát triển bền vững.
Ở một diễn biến khác, ngành tôm Ấn Độ đang có những bước tiến khả quan, dự kiến sản lượng tăng 10% trong năm nay. Chi phí sản xuất thấp nhờ mật độ thả giống thấp là một lợi thế của Ấn Độ. Còn Thái Lan tập trung vào sản xuất tôm chất lượng cao, giá trị gia tăng cho thị trường nội địa. Xu hướng sử dụng di truyền học để cải thiện giống tôm đang được quan tâm tại quốc gia này.