Nông nghiệp là trụ đỡ (*): Xuất khẩu gạo tự tin vượt Thái Lan
Giá trị xuất khẩu gạo năm nay của Việt Nam dự kiến lập kỷ lục khi giá gạo ở các phân khúc chính đã vượt Thái Lan, chứng tỏ uy tín hạt gạo Việt được nâng cao
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,07 triệu tấn với trị giá 2,94 tỉ USD; tăng 17,2% về khối lượng và tăng 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Những năm trước đây, gạo Việt Nam xuất khẩu thường có giá thấp hơn gạo Thái Lan khoảng 30 USD/tấn. Hiện nay, doanh nghiệp (DN) Việt đã có vị thế mới trong giao thương quốc tế.
Phân khúc cao cấp bật lên
Website của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cập nhật giá gạo trắng 5% tấm của nước này là 427 USD/tấn, của Việt Nam dao động từ 438-442 USD/tấn, còn của Ấn Độ là 378-382 USD/tấn. Gạo trắng 25% tấm của Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ có giá lần lượt là 418 USD/tấn, 418-422 USD/tấn và 363-367 USD/tấn.
Ở phân khúc gạo thơm, gạo Hom Mali nổi tiếng của Thái Lan được giao dịch với giá 885 USD/tấn trong tháng 10-2022. Trong khi đó, gạo Jasmine thuộc phân khúc gạo thơm tầm trung của Việt Nam đã có giá 523-527 USD/tấn; còn các giống cao cấp như ST24, ST25 có giá xuất khẩu vượt 1.000 USD/tấn.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), xác nhận ở các phân khúc chính, giá gạo Việt Nam hiện nay vượt Thái Lan nhờ sản phẩm được thu hoạch quanh năm nên tươi và mới hơn. Gạo Thái Lan chỉ đạt chất lượng cao nhất khi mới thu hoạch, sau đó lưu kho thì chất lượng giảm sút.
"Đây là thành quả sau nhiều năm Việt Nam thay đổi cơ cấu giống theo hướng tập trung vào giống chất lượng cao, giảm số lượng, tăng chất lượng. Năm nay, Việt Nam sẽ đạt kỷ lục về giá trị xuất khẩu gạo với con số ước tính 3,4 tỉ USD. Lý do bởi giá gạo có xu hướng tăng từ tháng 10 khi Ấn Độ cấm xuất khẩu tấm và đánh thuế xuất khẩu gạo trắng để bảo đảm an ninh lương thực, kéo theo nguồn cung gạo khan hiếm, nhiều khách hàng chuyển sang mua gạo Việt Nam và chấp nhận giá cao hơn" - ông Bình phân tích.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, nguyên Phó trưởng Khoa Phát triển nông thôn - Trường ĐH Cần Thơ, nhận định xu hướng chiếm lĩnh thị trường của gạo Việt thời gian gần đây là nhờ hiệu ứng từ một số cuộc thi gạo ngon quốc tế mà Việt Nam đoạt giải cao, từ đó nhiều khách hàng biết đến. "Điều quan trọng hơn cả là việc sản xuất và chế biến gạo của nước ta những năm gần đây được cải tiến tốt hơn, chẳng hạn sử dụng giống chất lượng cao, canh tác "1 phải 5 giảm", chuẩn GAP... Điều này tạo độ tin cậy cao cho gạo Việt Nam, giúp giá cả tăng lên" - PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ chỉ rõ.
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu gạo sau Thái Lan nên nhiều năm qua, khách hàng quốc tế chỉ biết đến gạo Thái Lan. Do đó, Việt Nam buộc phải từng bước xây dựng thương hiệu, uy tín và đến nay đã có tín hiệu tốt khi giá gạo Việt Nam vượt Thái Lan.
Nông dân thu hoạch lúa tại cánh đồng liên kết với Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang). Ảnh: AN NA
Sản xuất theo chuỗi giá trị
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhận định mục tiêu xuất khẩu 6,3-6,5 triệu tấn gạo trong năm nay chắc chắn đạt được. Nét nổi bật của xuất khẩu gạo năm nay là sản lượng gạo thơm, gạo chất lượng cao tăng và mở thêm nhiều thị trường mới.
Trong đó, 9 tháng qua, riêng thị trường châu Âu (EU) đã nhập khẩu 120.000 tấn gạo Việt Nam trong khi năm ngoái, Việt Nam không dùng hết hạn ngạch gạo miễn thuế 80.000 tấn/năm mà khu vực này dành cho chúng ta. Sự xuất hiện rộng rãi của gạo Việt Nam tại EU, Nhật Bản - nơi trước đây DN gạo chỉ xuất khẩu được với số lượng rất hạn chế - thể hiện khả năng cạnh tranh của gạo Việt tốt lên.
Tuy vậy, Chủ tịch VFA cũng nêu thực tế hiệu quả kinh doanh của cả nông dân và DN gạo năm nay không cao. Trong đó, nông dân bị đội chi phí canh tác, còn DN bị vướng một số hợp đồng ký trước với giá thấp hồi đầu năm. "Việt Nam kỳ vọng giá gạo tăng cao để tăng hiệu quả nhưng thị trường không dễ chấp nhận. Giải pháp căn cơ vẫn là giảm giá thành gạo thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, tạo ra nhiều sản phẩm mới sau gạo để nâng giá trị cho hạt gạo" - ông Nguyễn Ngọc Nam lưu ý.
Tại ĐBSCL, Tập đoàn Lộc Trời là một trong số ít DN tổ chức sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị. DN ghi dấu thành công khi gạo thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" chính thức lên kệ tại 2 hệ thống đại siêu thị hàng đầu châu Âu là Carrefour và Leclerc hồi tháng 9 vừa qua. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, thông tin sản phẩm này được người tiêu dùng tin tưởng, các siêu thị tiếp tục đặt hàng sau khi lên kệ.
"Chúng tôi nhận được đơn hàng lên đến 400.000 tấn của đối tác. Từ đơn đặt hàng, chúng tôi tổ chức sản xuất, đầu tư giống, vật tư nông nghiệp cho nông dân, từ đó kiểm soát chất lượng và giá thành để bảo đảm ổn định giá bán cho khách và tăng lợi nhuận cho nông dân" - ông Thòn cho hay.
Mới đây, Tập đoàn Lộc Trời được 7 ngân hàng ký hợp đồng cho vay 100 triệu USD (hơn 2.450 tỉ đồng) trong 3 năm với lãi suất ưu đãi để tổ chức chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Ngoài ra, DN đang đàm phán để bán tín chỉ carbon (chứng nhận giảm phát thải do canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP quốc tế - PV), giúp tăng thêm 1.000 đồng/kg lúa gạo nhờ nguồn thu mới này.
Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An thời gian qua phát triển thêm mảng chế biến sau gạo (bún, phở khô) và đang tăng trưởng nhanh. DN vừa xuất khẩu được 1 container bún, phở khô sang Mỹ; trước đó đã xuất khẩu sang Đức và Pháp khoảng 5 container/tháng. Với giá bán bún khô khoảng 2.500 USD/tấn, lợi nhuận của mảng chế biến cao hơn nhiều so với xuất khẩu gạo. Vì vậy, DN đang mở rộng nhà máy để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cần Thơ: Xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh
Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, trong 10 tháng đầu năm 2022, sản lượng xuất khẩu gạo của địa phương ước đạt 735.260 tấn, tăng 26,42%; kim ngạch ước đạt 347,08 triệu USD, tăng 23,25% so với cùng kỳ. Các mặt hàng gạo xuất khẩu chủ yếu là Đài Thơm 8, OM 5451, Japonica...
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho hay địa phương xuất gạo đi rất nhiều thị trường như: Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, châu Phi... Tuy chịu tác động từ diễn biến của thị trường thế giới nhưng xuất khẩu gạo 10 tháng năm nay sang một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, Singapore, Malaysia... vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-11