Nhập siêu trở lại trong tháng 5 không phải là yếu tố đáng quan ngại
Chuyên gia cho rằng, nhập siêu hàng hóa trong tháng 5/2024 không nằm ngoài dự đoán khi xem xét tính chu kỳ của thương mại hàng hoá và không đáng quan ngại.
Tình hình xuất nhập khẩu có những diễn biến tích cực, với trụ cột dẫn dắt là nhóm hàng công nghệ. Trong tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh 5,7% so với tháng trước, hồi phục sau khi giảm trong tháng 4.
Mức tăng trưởng xuất khẩu so với cùng kỳ cũng khả quan, phục hồi từ mức tăng 10,2% trong tháng 4 lên 15,8% trong tháng 5. Khoảng 70% của mức tăng tổng thể so với cùng kỳ được ghi nhận từ mức tăng mạnh 39,7% trong xuất khẩu sản phẩm công nghệ.
Xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp và gỗ cũng tăng mạnh lên, lần lượt là 18,5% và 18,1% so với cùng kỳ trong khi xuất khẩu máy móc ghi nhận mức tăng thấp hơn nhưng đang trên đà cải thiện so với các tháng trước (tăng 16,1%). Mặc dù vậy, tăng trưởng của xuất khẩu dệt may và thuỷ sản vẫn khá yếu, kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng này giảm lần lượt 8,2% và 3,5%.
Ước tính của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu trong tháng 5 vừa qua, tăng 29,9% so với cùng kỳ và tăng 12,8% so với tháng trước. Trong đó, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng điện tử tăng 39,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 25,1% trong tháng trước.
Đồng thời, nhập khẩu nguyên phụ liệu cho dệt may tăng mạnh 26,6%, cao hơn mức tăng 18,5% trong tháng 4. Nổi bật hơn là nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, tăng 22,3% so với cùng kỳ trong tháng 5, cao hơn mức tăng 16% trong tháng 4. Nhập khẩu của 3 nhóm hàng này đóng góp khoảng 54% vào mức tăng tổng thể.
Mặc dù xuất nhập khẩu phục hồi nhưng điều được quan tâm nhiều hơn là cán cân thương mại đảo chiều từ thặng dư sang thâm hụt trong tháng 5/2024, lần đầu tiên kể từ tháng 5/2022. Trong đó, thặng dư thương mại của khối FDI thu hẹp còn 2,4 tỷ USD, đồng thời, thâm hụt thương mại của khối trong nước mở rộng lên 3,4 tỷ USD.
Đề cập trong báo cáo kinh tế vĩ mô, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, nhập siêu hàng hóa trong tháng 5/2024 không nằm ngoài dự đoán khi xem xét tính chu kỳ của thương mại hàng hoá. Trong 6 năm trở lại đây (2019-2024), tháng 5 thường chứng kiến mức nhập siêu cao do nhu cầu nhập khẩu tăng lên để phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nửa cuối năm. Dữ liệu theo năm cho thấy nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu trong tháng 5/2024, tuy nhiên, VDSC cho rằng rằng điều này không phản ánh thực chất về sự phục hồi của hoạt động thương mại.
Nếu so sánh quy mô xuất nhập khẩu của tháng 5/2024 với cùng kỳ năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt là 6,3% và 2,9%. Điều này có nghĩa là khi so với mức nền cao của năm 2022 thì tốc độ phục hồi của xuất khẩu vẫn cao hơn nhập khẩu.
Nếu điều chỉnh cho yếu tố mùa vụ, Goldman Sachs ước tính cán cân thương mại trong tháng 5/2024 thặng dư 1 tỷ USD, thấp hơn mức thặng dư 1,6 tỷ USD trong tháng 4. Do đó, việc nhập siêu trở lại trong tháng 5/2024 không phải là yếu tố đáng quan ngại.
Cùng quan điểm tích cực, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) nêu, tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu (tăng 15,6%) và nhập khẩu (tăng 18,2%) vẫn trên đà hồi phục và duy trì thặng dư thương mại hơn 8 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng 18,6%) cải thiện rõ rệt trong 5 tháng đầu năm, là dấu hiệu cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng khởi sắc hơn nữa trong các tháng tới.
MAS đề cập, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm tốc (chỉ tăng 4,2%), xuất khẩu sang các thị trường chính khác đều cải thiện trong tháng 5 (Mỹ tăng 20,9%, EU tăng 21,2%, ASEAN tăng 24,9%, Hàn Quốc tăng 33,8%), theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê.
Theo các chuyên gia MAS, động lực phục hồi xuất khẩu trong thời gian tới sẽ gồm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng tốc trong tháng 5 và duy trì tăng trưởng hai chữ số trong 5 tháng đầu năm (tăng 18,6%). Chỉ số PMI sản xuất của các đối tác thương mại lớn cải thiện, với PMI sản xuất của Mỹ và Trung Quốc trên ngưỡng 50 điểm trong tháng thứ năm liên tiếp, trong khi PMI của Hàn Quốc và Nhật Bản vượt ngưỡng 50 điểm trong tháng 5.