Hà Nội: Kết nối, lan tỏa, đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng
Hà Nội - “đầu tàu” trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang thực hiện nhiều giải pháp kết nối, lan tỏa hàng Việt.
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kết quả Hà Nội đạt được đến nay là gì, thưa ông?
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động từ năm 2009, nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam.
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị AEON Hà Đông. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Hà Nội là một trong những địa phương được đánh giá là “đầu tàu” trong triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua 15 năm triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo các cấp, ngành và các tổ chức đoàn thể đã tập trung chỉ đạo toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Thông qua đó, tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng.
Các ngành, thành viên Ban chỉ đạo đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, tổ chức hoạt động về liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Qua đó, góp phần tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp hàng Việt, góp phần thúc đẩy Thủ đô phát triển.
Thông qua Cuộc vận động, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm, doanh nghiệp được tạo điều kiện qua các cơ chế, chính sách của thành phố. Cuộc vận động cũng được đông đảo người tiêu dùng biết và tin dùng thông qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Cuộc vận động trên địa bàn thành phố vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Theo đó, nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động trong hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô chưa được quán triệt sâu rộng. Kết quả Cuộc vận động chưa thực sự toàn diện. Chất lượng, mẫu mã và giá của nhiều hàng hóa Việt Nam chưa hấp dẫn người tiêu dùng. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn gây bức xúc và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Việc xây dựng, phát hiện, nhân rộng, biểu dương, tôn vinh các điển hình tốt trong thực hiện Cuộc vận động còn hạn chế…
Ông đánh giá thế nào về sự vào cuộc của các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua?
Qua 15 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng. Cấp ủy các cấp đã thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng trong thực hiện Cuộc vận động, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thể hiện sự gương mẫu. Từng cấp, ngành đã có chương trình, kế hoạch và giải pháp thiết thực triển khai Cuộc vận động nên đã thu hút được sự quan tâm, đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Sự phối hợp chặt chẽ, chủ động, tích cực từ các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố, các đơn vị bằng nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đơn vị, địa phương.
Trong đó, đối với các tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Đối với các cơ quan thông tin đại chúng bên cạnh việc đưa tin, bài phản ánh các hoạt động triển khai Cuộc vận động còn tổ chức các tọa đàm, các chuyên mục, chuyên đề.
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Các sở, ngành Thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp, phát triển thương hiệu, khuyến công, phát triển làng nghề, khuyến khích khởi nghiệp góp phần tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Có thể nói, các Chương trình do Ban chỉ đạo Cuộc vận động thành phố triển khai đều có sự vào cuộc tích cực của các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động thành phố, thể hiện tính kết nối, cùng cộng đồng trách nhiệm làm nên thành công của các chương trình.
Tuy nhiên, để Cuộc vận động được triển khai hiệu quả hơn, rất cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ hơn, quyết liệt hơn của các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động thành phố. Các hoạt động triển khai thực hiện Cuộc vận động cần tiến hành thường xuyên hơn, đặc biệt là công tác tuyên truyền.
Hiệu quả triển khai Cuộc vận động của Ban chỉ đạo ở cấp cơ sở trong việc đưa Cuộc vận động tới với mỗi người dân như thế nào, thưa ông?
Thực hiện Kế hoạch của Ban chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố hàng năm, Ban chỉ đạo quận, huyện, thị xã tích cực tuyên truyền Cuộc vận động đến cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về Cuộc vận động thông qua các hình thức đa dạng, phong phú như: phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, áp phích, pano, khẩu hiệu; các buổi tọa đàm, hội thảo, hội nghị, các buổi tập huấn… Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trong việc hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã đã phối hợp các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ hàng Việt, phiên chợ hàng Việt, chợ hoa xuân, các chuyến đưa hàng về vùng xa trung tâm. Phối hợp với chính quyền cùng cấp hỗ trợ các doanh nghiệp xác định, lựa chọn địa điểm bán hàng thuận lợi để nhân dân, người tiêu dùng đến thăm quan, mua sắm nhằm quảng bá, giới thiệu các chương trình bán hàng Việt trên địa bàn dân cư. Đôn đốc việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương...
Tiêu biểu như huyện Ứng Hòa phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống như làm giày da tại thôn Thần, xã Minh Đức; huyện Thanh Trì vận động nông dân sản xuất rau sạch, rau an toàn có đăng ký mã vạch với Sở Công Thương; huyện Ba Vì tuyên truyền sản phẩm hàng hoá tiêu biểu của huyện, như: sữa, chè Ba Vì, miến dong Minh Hồng, khoai lang Đồng Thái, gà đồi Ba Vì; huyện Thanh Oai có 6 mặt hàng được công nhận nhãn hiệu tập thể;…
Với sự vào cuộc của Ban chỉ đạo Cuộc vận động các cấp cơ sở, sức lan tỏa mạnh mẽ của Cuộc vận động đã góp phần củng cố niềm tin và xu hướng dùng hàng Việt trong nhân dân, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá thị trường..., góp phần cùng Đảng và Nhà nước kiềm chế lạm phát, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai có hiệu quả, người tiêu dùng biết đến và ủng hộ hàng Việt, giải pháp được thành phố triển khai trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" hiện đang bước sang một giai đoạn mới trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến khó lường và ẩn chứa nhiều bất ổn. Lạm phát tuy hạ nhiệt, nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu tiếp tục suy giảm; hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng... ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Hàng Việt tăng tính cạnh tranh tại thị trường nội địa. Ảnh: Bộ Công Thương |
Để nâng cao hiệu quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch công tác năm gắn với nhiệm vụ chính trị của Thủ đô; tiếp tục tập trung vào 5 nhóm giải pháp cơ bản trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và đông đảo người dân, từ đó, nâng cao nhận thức và hành động hưởng ứng Cuộc vận động. Trọng tâm là tuyên truyền Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Thứ hai, phối hợp với UBND Thành phố tăng cường đối thoại, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ban hành chính sách khuyến khích sản xuất, tiêu dùng trong nước; cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Thứ ba, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát triển mạng lưới phân phối, kích cầu nội địa, vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi kinh tế Thủ đô.
Thứ tư, chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường đổi mới, chấn chỉnh các hoạt động kiểm tra, quản lý thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi, kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam của Nhà nước để trục lợi, kinh doanh, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ năm, tiếp tục triển khai Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” với các điểm mới nhằm lựa chọn được những sản phẩm chất lượng và khích lệ, động viên doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong đó, Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP. Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu vẫn là công tác tuyên truyền theo hướng phát hiện, tôn vinh hàng Việt Nam chất lượng cao, kết nối cung – cầu, đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến gần hơn với người tiêu dùng.
Tăng cường công tác vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, nhân dân gương mẫu, tự giác thay đổi nhận thức và hành vi trong mua sắm tài sản công, sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày, tạo thói quen khi mua sắm, tiêu dùng; ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do các doanh nghiệp, nhà sản xuất tại địa phương làm ra, góp phần làm cho Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự thiết thực và hiệu quả.
Mặt khác, tuyên truyền vận động các cơ sở doanh nghiệp Việt tích cực tham gia việc truyền thông, quảng bá sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp đến người tiêu dùng; đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ; nâng cao hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị, chất lượng cao, giá thành hợp lý cùng với chất lượng dịch vụ, bán hàng tốt để mở rộng thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng.
Với các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú sẽ tạo nên những chuyển biến tích cực về nhận thức, cũng như nhận được sự đồng tình, ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của các cấp, ngành, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân, tạo sức lan tỏa làm thay đổi hành vi, thói quen, văn hóa tiêu dùng hàng Việt của người dân Thủ đô.
Xin cảm ơn ông!