A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh số xe lắp ráp trong nước bị áp lực lớn trước xe nhập khẩu

Khoảng cách doanh số giữa các dòng xe lắp ráp trong nước (CKD) và xe nhập khẩu đang được rút ngắn. Dù vẫn có chính sách hỗ trợ, nhưng áp lực ngày càng tăng với các dòng xe CKD.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2021 số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu vẫn ở mức cao. Cụ thể, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại trong tháng 12/2021 đạt 15.196 chiếc, tương ứng trị giá đạt 433 triệu USD. Trong đó, có 8.536 xe dưới 9 chỗ được làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam với trị giá là 190 triệu USD, chiếm 56,2% lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu.

Xe ô tô nguyên chiếc vẫn ồ ạt cập cảng Việt Nam bất chấp dịch Covid-19 có nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Thống kê cho thấy, năm 2021, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu đạt 160.035 xe, tăng 52,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 109.728 xe, tăng 45,2%.

Doanh số xe lắp ráp trong nước bị áp lực lớn trước xe nhập khẩu

Honda CR-V trong nhà máy lắp ráp tại Việt Nam.

Xe nhập khẩu có xuất xứ chủ yếu từ Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc. Trong đó, Thái Lan, Indonesia cung cấp chủ yếu xe dưới 9 chỗ và ô tô vận tải với gần 80% lượng xe nhập khẩu.

Lượng xe nhập khẩu cao do nhu cầu thị trường trong nước tăng trưởng mạnh. Trong khi doanh số bán xe lắp ráp giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái với 168.357 xe được bán ra thì sức tiêu thụ của các loại xe nhập khẩu lại tăng trưởng mạnh - tăng 24% với tổng số 135.792 xe. Đây là con số thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), chưa tính lượng tiêu thụ của các hãng xe nhập khẩu, xe sang ở Việt Nam.

Khoảng cách doanh số giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước ngày càng rút ngắn so với cùng kỳ các năm trước cho thấy áp lực không nhỏ lên các dòng xe CKD và các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp. Trong đó, có yếu tố chi phí sản xuất ô tô vẫn cao hơn so với trung bình khu vực, sự thiếu hụt của ngành công nghiệp phụ trợ trong khi Thái Lan và Indonesia – các thị trường lớn đều sở hữu những nhà máy và nền công nghiệp ô tô phát triển hơn.

Nhiều dòng xe nhập khẩu chiếm doanh số tiêu thụ lớn ở thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, mẫu MPV Mitsubishi Xpander dù có cả bản lắp ráp, xong xe nhập khẩu vẫn chiếm ưu thế. Trong số 13.616 chiếc Xpander bán ra ở Việt Nam năm 2021 có tới 12.406 xe nhập khẩu nguyên chiếc, chỉ có 1.210 xe được lắp ráp trong nước.

Thương hiệu Toyota có nhiều mẫu xe nhập khẩu gây chú ý như mẫu xe Corolla Cross với tổng số 18.411 xe đã bán ra. Tương tự, mẫu SUV cỡ nhỏ Raize vừa ra mắt cũng bán ra hơn 700 chiếc. Mẫu SUV Fortuner hiện phân phối cả 2 bản nhập khẩu và lắp ráp với tổng số 6.352 xe bán ra, trong đó có 1.213 xe được nhập khẩu nguyên chiếc. Các dòng xe đa dụng, xe gầm cao phổ thông chủ yếu được nhập từ Indonesia và Thái Lan.

Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô cũng như kích thích người tiêu dùng lựa chọn dòng xe lắp ráp trong nước. Các chính sách này được kỳ vọng sẽ tiếp sức cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, hướng tới một tương lai sáng khi thị trường ô tô có thể cán mốc 500.000 xe trong năm tới.

Phúc Vinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :