A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huawei có thể tìm lại thành công với xe hơi?

Khi mảng kinh doanh smartphone bị hủy diệt dưới các lệnh cấm vận của Mỹ, Huawei buộc phải tìm con đường mới, đó là dấn thân vào thị trường xe hơi.

Huawei có thể tìm lại thành công với xe hơi?

Mẫu xe Aito M5 do Huawei hợp tác sản xuất cùng thương hiệu Seres. (Ảnh: Handout)

Showroom Smart Life của Huawei tại Thâm Quyến (Trung Quốc) trưng bày mọi thứ, từ máy tính bảng đến máy hút bụi để thu hút người dùng tại đây. Tuy nhiên, mặt hàng gây chú ý nhất lại là Aito M5, mẫu xe phong cách thể thao màu xanh biển đậm mà công ty vừa giới thiệu gần đây.

Aito M5 trang bị hệ điều hành độc quyền HarmonyOS Smart Cockpit. Chiếc xe được Huawei hợp tác phát triển cùng thương hiệu xe hơi Seres của Trung Quốc. HarmonyOS hiện có mặt trên hơn 220 triệu thiết bị thông minh như điện thoại, đồng hồ. Smart Cockpit giúp tài xế và hành khách điều khiển các chức năng trên xe như chỉ đường, nghe nhạc một cách dễ dàng như họ vẫn làm trên smartphone Huawei.

Huawei cần tìm được thành công ở các mảng kinh doanh mới, sau khi bộ phận smartphone bị ảnh hưởng nặng nề do các lệnh cấm vận thương mại của Mỹ. Dù vậy, “ông lớn” công nghệ Trung Quốc không thể hoạt động dễ dàng trên thị trường ô tô điện khi phải đối mặt với các hãng như Tesla, Xpeng, Nio, cũng như các hãng xe truyền thống, từ BYD đến SAIC Motor hay các công ty mang tham vọng xe hơi riêng như Xiaomi, Baidu.

Từ khi bán ra tháng 4/2021 đến cuối tháng 11/2021, chiếc xe đầu tiên dùng hệ điều hành Seres SF5 của Huawei chỉ bán được 7.080 đơn vị, theo dữ liệu từ Hiệp hội xe chở khách Trung Quốc. Trong khi đó, mẫu Alpha-S do Arcfoxcar phát triển, sử dụng giải pháp xe hơi Huawi HI, cũng chỉ đạt doanh số 2.100 xe kể từ tháng 4/2021. Để so sánh, chỉ riêng tháng 11 cùng năm, Tesla đã “tẩu tán” 52.859 xe tại thị trường này.

Dù Huawei nhấn mạnh họ không sản xuất xe riêng mà chỉ tập trung vào hệ thống và linh kiện trên xe, các mẫu như Aito M5 sử dụng thương hiệu Huawei lại là điểm đặc sắc nhất của nó. Vai trò của Huawei với mẫu xe Aito M5 là không thể bàn cãi. Tại lễ ra mắt Aito M5, Giám đốc điều hành kiêm CEO bộ phận giải pháp xe hơi thông minh của Huawei – ông Richard Yu – đã có mặt trên sân khấu để trình bày về các chức năng của xe.

Trong khi Smart Cockpit là “bộ não” của xe, đứng sau nhãn hiệu Seres lại là một nhà sản xuất nhỏ bé có tên Chongqing Sokon Industry. So với một tên tuổi lớn như Huawei, Chongqing tương đối vô danh, làm ăn thua lỗ và chỉ chiếm 1% thị trường xe trong nước, đồng nghĩa Seres không thể so sánh với Huawei khi nói đến giá trị thương hiệu.

Ông Richard Yu cho biết Aito M5 do bộ phận thiết kế công nghiệp, phần mềm và trải nghiệm của Huawei thiết kế, bao gồm cả hệ thống âm thanh. Với giá khởi điểm 250.000 NDT (gần 900 triệu đồng), ông Yu khẳng định Aito M5 có sức mạnh và phạm vi lái tốt hơn Tesla Model Y. Đây đều là những con số quan trọng vì chỉ riêng cái tên Huawei chưa đủ sức để biến Aito M5 thành “hit”.

Theo Zhang Xiang, nhà nghiên cứu công nghiệp xe hơi tại Đại học Công nghệ Bắc Trung (NCUT), khách hàng chưa hoàn toàn bị thuyết phục bởi năng lực của Huawei trong xe hơi. Sức mạnh của công ty nằm ở smartphone và 5G, Huawei cũng chưa tạo dấu ấn trên thị trường ô tô.

Huawei dự đoán doanh thu năm 2021 giảm 29% xuống còn 634 tỷ NDT, buộc họ phải tìm kiếm nguồn thu và lợi nhuận mới. Theo Reuters, xe thông minh là lĩnh vực Huawei lựa chọn theo đuổi, một phần vì chip trong xe không hiện đại như chip trên smartphone và không nằm trong danh sách đen của Mỹ.

Tiềm năng khổng lồ của thị trường xe thông minh Trung Quốc cũng là một điểm cộng. Doanh số xe dùng năng lượng mới của Trung Quốc chạm mốc kỷ lục, 450.000 đơn vị, vào tháng 11/2021, tăng 121% so với năm 2020, theo dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc.

Theo Chủ tịch luân phiên Eric Xu của Huawei, mỗi năm Trung Quốc cần thêm 30 triệu xe, con số tiếp tục tăng lên. Kể cả khi không hướng đến thị trường nước ngoài và nếu kiếm được trung bình 10.000 NDT từ mỗi xe bán ra, mảng kinh doanh này đã đủ tốt với Huawei.

Dù vậy, có khoảng 500 nhà sản xuất xe điện đang “xâu xé” thị trường. Ngoài giá trị thương hiệu, một số chuyên gia trong ngành đặt câu hỏi về giá bán và hiệu suất của Aito M5 so với đối thủ. Theo nhà phân tích Niko Yang của hãng nghiên cứu EqualOcean, việc Huawei bắt tay với một nhà sản xuất nhỏ đã hạn chế tầm với của họ.

Thay vì tiếp cận lượng lớn khách hàng thông qua mạng lưới đại lý rộng lớn, xe hơi Huawei chủ yếu bán qua website và cửa hàng Huawei, đồng nghĩa lượng khách hàng tiềm năng về cơ bản là tệp khách hàng sẵn có của hãng.

Huawei cũng thông báo các thương vụ hợp tác với các hãng xe khác như BAIC, Chongqing Changan Automobile và Guangzhou Automobile. Tuy nhiên, những tên tuổi lớn như vậy sẽ thận trọng đối với việc trao quá nhiều quyền kiểm soát cho một đối tác mạnh như Huawei, đặc biệt khi cạnh tranh tương lai sẽ chuyển dịch sang “các hệ thống lái thông minh” hay “bộ não” của xe. Bản thân các hệ thống lái của Google hay Baidu cũng là mặt hàng khó bán.

Huawei cam kết đầu tư 1 tỷ USD cho phát triển linh kiện xe năm 2022, trong khi Xiaomi chia sẻ sẽ đầu tư 10 tỷ USD trong 10 năm tới để sản xuất xe điện riêng. Baidu cùng hãng xe Geely rót 50 tỷ NDT đầu tư vào Jidu Auto.

Quay lại showroom Thâm Quyến của Huawei, mẫu SUV mới dường như khá hấp dẫn với các khách hàng tiềm năng, những người “xoay” nhân viên bán hàng như chong chóng bằng các câu hỏi và yêu cầu lái thử. Một nhân viên tiết lộ Aito M5 nhận được 6.000 đơn đặt hàng trong vòng 24 giờ ra mắt, cao hơn doanh số gộp của hai mẫu xe trang bị hệ điều hành của Huawei trước đây.

Du Lam (Theo SCMP)


Tags: huawei
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :