A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao kinh tế Mỹ chưa xuất hiện dấu hiệu suy thoái

Nhu cầu dồn nén, tiền tiết kiệm và nợ rẻ tích lũy trong thời kỳ phong tỏa đại dịch Covid-19 cùng với tình trạng khan hiếm lao động đã giúp nền kinh tế Mỹ vẫn kiên cường chống chịu tác động của từ hàng loạt đợt tăng lãi suất.

Công nhân xây dựng làm việc ở một công trình tại thành phố Miami, bang Florida, Mỹ. Thị trường lao động mạnh mẽ là một trong những yếu tố hỗ trợ nền kinh tế Mỹ. Ảnh: AP

Nhu cầu dồn nén tiếp tục bung ra

Hơn một năm sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khởi động chiến dịch tăng tăng lãi suất mạnh nhất trong nhiều thập niên kiềm chế lạm phát, dấu hiệu rõ ràng của một cơn suy thoái tiềm tàng đối với nền kinh tế Mỹ, vốn được dự đoán rộng rãi, vẫn chưa xuất hiện.

Doanh nghiệp Mỹ đang ráo riết tuyển dụng, trong khi người tiêu dùng thoải mái chi tiêu. Thị trường chứng khoán ở Phố Wall đang hồi phục và thị trường nhà ở dường như đang ổn định. Tất cả các dữ liệu kinh tế gần nhất đều cho thấy tất cả những nỗ lực của Fed vẫn chưa làm suy yếu đáng kể nhu cầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thay vào đó, những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn tiếp tục bung ra.

Người Mỹ đang vung tiền vào các hoạt động mà họ đã bỏ qua trong thời gian phong tỏa vì đại dịch, chẳng hạn như đi du lịch, xem hòa nhạc và ăn uống bên ngoài. Giới doanh nghiệp Mỹ cũng tăng cường nhân sự để đáp ứng nhu cầu bị dồn nén. Các chính sách của chính phủ Mỹ nhằm đối phó với đại dịch gồm lãi suất thấp và hàng nghìn tỉ đô la hỗ trợ tài chính, khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp tích lũy nhiều tiền tiết kiệm và khoản nợ rẻ.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Dự trữ liên bang khu vực San Francisco, tiền tiết kiệm của người Mỹ hiện nay cao hơn 500 tỉ đô la so với mức tiết kiệm của họ trong trường hợp đại dịch Covid-19 không xảy ra. Điều đó cho phép họ chi tiêu cho các chuyến du lịch mùa hè, mua vé xem hòa nhạc dù giá cả tăng cao và cho phép các công ty tiếp tục tăng giá dịch vụ.

Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng chiến dịch tăng lãi suất của Fed sẽ hạ nhiệt nền kinh tế và áp lực giá cả theo thời gian, kích hoạt một cơn suy thoái kinh tế vào cuối năm nay. Tuy nhiên, cho đến nay, dữ liệu kinh tế của Mỹ tiếp tục nóng hơn dự báo.

Đặc biệt, mức tăng trưởng việc làm vẫn mạnh mẽ và điều này càng bơm thêm tiền vào ví của người dân Mỹ. Cuối tuần qua, Bộ Lao động Mỹ cho biết  nền kinh tế tạo ra thên 339.000 trong tháng 5,  cao hơn dự báo.  Mức  tăng trưởng việc làm trong hai tháng trước đó cũng cao hơn so với ước tính ban đầu.

“Tôi không nghĩ có bất kỳ khả năng nào cho thấy nền kinh tế chúng ta đang rơi vào suy thoái”, Justin Wolfers, giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học Michigan (Mỹ), nói.

Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia (NBER), một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận của Mỹ, đã phân tích một loạt dữ liệu kinh tế để giúp xác định xem nền kinh tế có đang trong thời kỳ suy thoái hay không. Wolfers cho biết hầu hết các chỉ số mà NBER phân tích đều có vẻ ổn định.

Thị trường lao động tiếp tục phục hồi

Thị trường lao động Mỹ ở thời kỳ hậu đại dịch vẫn đang phục hồi. Tháng trước, các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giải trí và khách sạn và chính phủ, tiếp tục tuyển dụng. Đây là những lĩnh vực đã chứng kiến tình trạng mất việc làm nghiêm trọng khi đại dịch bùng phát vào mùa xuân năm 2020. Việc làm ở các nhà hàng, khách sạn, khu giải trí và thể thao vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch trong bối cảnh nhân công đang khan hiếm.

Trên toàn nền kinh tế Mỹ, cơ hội việc làm tăng lên 10,1 triệu trong tháng 4 từ 9,7 triệu trong tháng 3, vượt xa con số 5,7 triệu người Mỹ thất nghiệp trong tháng đó. Sự chênh lệch giữa cơ hội việc làm và người tìm việc tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tiền lương.

Thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động Mỹ tăng 4,3% trong tháng 5 so với một năm trước đó, gần bằng mức tăng hàng năm trong tháng 3 và tháng 4.

“Tôi đã không nghĩ rằng thị trường lao động sẽ duy trì mạnh mẽ trong thời gian lâu như vậy”, Carl Tannenbaum, nhà kinh tế trưởng của Northern Trust, nói.

Courtney Wakefield-Smith là một trong số những người gần đây được hưởng lợi từ thị trường lao động mạnh mẽ. Người phụ nữ 33 tuổi này cho biết, năm ngoái cô được tuyển vào làm công việc văn phòng tại một công ty cấp nước ở bang New Jersey. Trong vai trò mới, cô kiếm được hơn 25 đô la /giờ, cao hơn nhiều so với những công việc bán thời gian trước đó trong đại dịch được trả từ 11-17 đô la /giờ.

Thị trường việc làm có thể tiếp tục khan hiếm, phần lớn là do hàng triệu người gần đến tuổi nghỉ hưu đã rời bỏ lực lượng lao động kể từ khi đại dịch bắt đầu.

CEO của hãng hàng không Southwest Airlines, Bob Jordan gần đây cho biết hãng nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ trong hai đến ba tháng tới, thời điểm mà hầu hết mọi người đặt chuyến bay. Hãng hàng không American Airlines cũng nâng dự đoán về doanh thu trong quí 2 nhời nhu cầu mạnh mẽ.

Brett Keller, CEO của trang web du lịch Priceline, một đơn vị của Booking Holdings, cho biết ông rất ngạc nhiên về sức mạnh của nhu cầu du lịch khi nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để đặt vé máy bay hoặc đặt phòng khách sạn.

Keller chỉ ra những ví dụ như giá vé máy bay khứ hồi trong mùa hè này từ Bờ Đông của Mỹ đến thành phố Boise, bang Idaho, tăng lên mức hơn 1.000 đô la, gần gấp đôi so với một vài năm trước.

Tác động của lãi suất có độ trễ

Hoạt động kinh tế và lạm phát không chậm lại nhiều như các quan chức Fed dự đoán dù cơ quan này đã nâng suất từ mức gần zero  0 lên biên độ 5-5,25%, mức cao nhất trong 16 năm.

Chi phí đi vay cao hơn thường được cảm nhận đầu tiên ở các bộ phận nhạy cảm với lãi suất của thị trường tài chính và nền kinh tế, chẳng hạn như cổ phiếu và nhà ở. Chẳng hạn, chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 25% từ cuối tháng 12 -2021 đến tháng 10 năm ngoái khi Fed tăng lãi suất mạnh. Kể từ đó, chỉ số này tăng khoảng 20%, điều thường không xảy ra nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Doanh số bán nhà hiện có và nhà mới ở Mỹ giảm mạnh trong năm ngoái nhưng tăng trở lại kể từ tháng 1. Tình trạng thiếu nhà để bán đã khiến giá nhà tăng cao trong thời gian gần đây. Các công ty xây dựng  đang cảm thấy tự tin hơn khi tình trạng thiếu nhà làm tăng nhu cầu về nhà ở mới xây. Các công ty xây dựng khu dân cư và công nghiệp đã tạo thêm 25.000 việc làm vào tháng trước, tăng từ mức trung bình hàng tháng là 17.000 trong 12 tháng trước đó.

Tuy nhiên, có một số dấu hiệu lãi suất cao đang có tác dụng. Giới doanh nghiệp Mỹ đầu tư chậm lại trong quí đầu tiên khi họ cắt giảm chi tiêu cho thiết bị.

Số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của người lao động Mỹ giảm xuống còn 34,3 giờ vào tháng trước, mức thấp nhất kể từ tháng 4-2020. Điều này cho thấy doanh nghiệp đang cắt giảm giờ làm việc thay vì nhân công. Tỷ lệ thất nghiệp hàng năm của Mỹ tăng lên 3,7% trong tháng 5  từ 3,4% trong tháng 4. Lĩnh vực công nghệ thông tin cắt giảm 9.000 việc làm trong tháng 5.

Nhiều nhà kinh tế và giám đốc điều hành doanh nghiệp cho rằng tác động của lãi suất, vốn có độ trễ, đối với các hoạt động kinh tế chỉ là vấn đề thời gian.

Các nhà kinh tế được The Wall Street Journal khảo sát hồi tháng 4 nhận định xác suất kinh tế Mỹ suy thoái tại một thời điểm nào đó trong 12 tháng tới là trên 50%. Nhưng vào tháng 10 năm ngoái, họ cũng đã dự đoán rằng suy thoái đang cận kề đối với nền kinh tế Mỹ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :