Ukraine được Mỹ hỗ trợ tối đa để sớm chấm dứt xung đột
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington có thể “cho phép” dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga để giúp Ukraine đổi lấy hòa bình.
Thông tin được ông Blinken tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với NBC News hôm 3-4. Theo đó, Mỹ "bật đèn xanh" cho Ukraine khi đàm phán với Nga có thể "cài điều khoản" rằng nếu đồng ý chấm dứt xung đột thì Kiev sẽ yêu cầu quốc tế dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Trong phát biểu, ông Blinken cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ hỗ trợ bất cứ điều gì mà người dân Ukraine muốn làm để sớm chấm dứt xung đột.
"Chúng tôi sẽ xem xét những gì Ukraine đang làm và những gì họ muốn làm. Nếu những điều đó có đem lại hòa bình cho họ, bao gồm cả việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga thì chúng tôi cũng đồng ý" - đài RT của Nga dẫn lời ông Blinken nói với NBC News.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cho biết "bây giờ chưa phải lúc để nhượng bộ Nga trên bàn đàm phán", đồng thời nhấn mạnh "làm thế nào để kết thúc chiến tranh ở Ukraine là tùy thuộc vào người Ukraine".
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken (bên phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gắp vào tháng 5-2021. Ảnh: Getty Images
Giải thích thêm về phát biểu của Tổng thống Joe Biden trước đó rằng "ông Vladimir Putin không nên tiếp tục làm tổng thống", Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh "tương lai của Tổng thống Nga phụ thuộc vào người dân Nga".
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine hôm 24-2. Tuy nhiên, theo tiết lộ tờ Wall Street Journal, chỉ trước đó 5 ngày Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có "lời khuyên sâu sắc" đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Cụ thể, hôm 19-2, Thủ tướng Đức đã nói với ông Zelensky rằng "Ukraine nên từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO và tuyên bố trung lập như một phần của thỏa thuận an ninh châu Âu rộng lớn hơn giữa phương Tây và Nga".
Nguồn tin cho rằng Tổng thống Ukraine khi đó không đồng ý khiến Thủ tướng Đức Olaf Scholz "hết sức lo lắng cho hòa bình của Ukraine" và đã cố gắng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga và Mỹ.
Các nỗ lực này được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron làm trung gian "luân phiên điện đàm với cả ông Putin và ông Biden vào đêm 20-2", tờ Wall Street Journal tiết lộ.