Trung Quốc: Tâm điểm kinh tế tại kỳ họp "lưỡng hội"
Kỳ họp đầu tiên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) khóa XIV đã khai mạc tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh hôm 4-3.
Tâm điểm của kỳ họp là báo cáo công tác của chính phủ được Thủ tướng Lý Cường trình bày trước gần 3.000 đại biểu NPC ngày 5-3. Theo Tân Hoa xã, báo cáo dự kiến gồm các nội dung đáng chú ý như mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay, thâm hụt ngân sách, lạm phát, việc làm, ngoại thương, đầu tư…
Giới quan sát cho biết báo cáo dự kiến đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 vào khoảng 5%, tương tự mức năm 2023. Trung Quốc cho biết kinh tế nước này tăng trưởng 5,2% năm ngoái. Năm nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế và một số chuyên gia dự báo con số này năm nay dao động từ 4% đến 4,8%.
Ông Li Wei, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Ngân hàng Standard Chartered (Anh), nhận định với đài Channel News Asia rằng nếu mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra là từ 5% trở lên, điều này có nghĩa Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách tài chính và tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng.
Trong khi đó, mục tiêu dưới 5% có nghĩa Bắc Kinh sẽ tập trung nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo hoặc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bền vững hơn.
Theo Reuters, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, giảm phát ngày càng sâu, nợ chính quyền địa phương ngày càng tăng… đang gây áp lực lớn lên Bắc Kinh trong việc đưa ra các quyết sách quan trọng nhằm giúp kinh tế vững chắc trong dài hạn.
Dù vậy, chương trình nghị sự của NPC năm nay dự kiến tập trung nhiều hơn vào những hỗ trợ trong ngắn hạn để kinh tế hồi phục nhanh hơn sau đại dịch COVID-19. "Ưu tiên hàng đầu là ổn định nền kinh tế" - ông Zong Liang, Giám đốc nghiên cứu tại Ngân hàng Trung Quốc, cho biết.
Các biện pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy đổi mới công nghệ có thể được công bố. Ngoài ra, các cố vấn chính sách cho biết chi tiêu đầu tư có thể dựa nhiều hơn vào "cơ sở hạ tầng mới", như viễn thông 5G, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn.
Một số liệu cũng được theo dõi sát là mục tiêu tạo việc làm. Giới chức Trung Quốc vào tháng 12-2023 cho biết tỉ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 16 - 24 là 14,9%. Với độ tuổi 25 - 29, con số này là 6,1%. Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp tại đô thị là 5,1%. Đáng chú ý, Trung Quốc hiện đối mặt tình trạng dân số đang già đi, lực lượng lao động sụt giảm và tỉ lệ sinh thấp.
Niềm tin của người tiêu dùng cũng là vấn đề được giới quan sát chú ý. Chi tiêu của người tiêu dùng đã hồi phục nhưng vẫn chưa trở về được mức như trước đại dịch COVID-19.
Theo ông Li Wei, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng do Cục Thống kê quốc gia công bố vẫn ở mức dưới 100 điểm, qua đó cho thấy nhiều người vẫn cảm thấy hơi lo lắng về thu nhập, công việc và tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Vì thế, chuyên gia này cho rằng ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh là bảo đảm niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục được khôi phục.