A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay ra sao?

Tỉnh Lâm Đồng báo cáo về tình hình quản lý, quy hoạch, thành lập, đầu tư cơ sở hạ tầng, hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngày 18/9, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện nay, toàn tỉnh có tổng số 18 cụm công nghiệp, với diện tích 792,16 ha. Trong đó, phát triển mới 08 cụm công nghiệp với diện tích 466,49 ha; giữ nguyên 08 cụm công nghiệp đã được quy hoạch thời kỳ trước với diện tích 263,28 ha và điều chỉnh diện tích 02 cụm công nghiệp. Đồng thời, 09 cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích quy hoạch sau khi điều chỉnh là 334,17 ha.

Tình hình quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay ra sao?
Dây truyền sản xuất, chế biến nông sản của Công ty B'Lao Food tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Lê Sơn

Việc thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định thành lập 06 cụm công nghiệp với diện tích 199,4 ha (gồm cụm công nghiệp: Gia Hiệp, huyện Di Linh; Ka Đô, huyện Đơn Dương; Lộc Phát, TP. Bảo Lộc; Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm; Phát Chi, TP. Đà Lạt và Đinh Văn, huyện Lâm Hà). Mở rộng cụm công nghiệp Đinh Văn thêm 2,82 ha từ 34,37 ha lên 37,19 ha; được phê duyệt trong phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Lâm Đồng.

Về tình hình đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, chỉ có Cụm công nghiệp Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm đã thu hút được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Các cụm công nghiệp còn lại chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật, do UBND các huyện, thành phố quản lý, giao cho Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng hoặc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Đối với các dự án thứ cấp hoạt động trong cụm công nghiệp: 07 cụm công nghiệp (gồm 06 cụm công nghiệp đã thành lập và Cụm công nghiệp Tam Bố) đang có 37 doanh nghiệp, đơn vị đăng ký hoạt động, tuy nhiên chỉ có 31 dự án đang hoạt động, được chấp thuận chủ trương đầu tư (trong đó 09 dự án FDI); tổng diện tích cho thuê, đăng ký là 95,06 ha, tỷ lệ lấp đầy chiếm 55,98%; tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án 2.305,6 tỷ đồng và 20,3 triệu USD; tổng số lao động 2.133 người. Các cụm công nghiệp còn lại chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật, dự án đầu tư thứ cấp.

Theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian qua được sự quan tâm của Bộ Công Thương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và sự quyết tâm của các cấp chính quyền địa phương trong việc quản lý, phát triển cụm công nghiệp góp phần phát triển công nghiệp địa phương, UBND các huyện, thành phố đã tích cực rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn quản lý để đề xuất vào phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh tích hợp vào Quy hoạch tỉnh theo quy định.

Một số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy hoạt động trong cụm công nghiệp, một số nhà máy khác đẩy nhanh tiến độ đầu tư là dấu hiệu tốt phát triển cụm công nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn một số hạn chế trong việc phát triển cụm công nghiệp như: Quỹ đất sạch có quy mô, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư lớn còn thiếu, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, mặt bằng giá đất trên địa bàn tỉnh cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước, do đó chi phí đền bù để thực hiện dự án cao; kinh phí cho giải phóng mặt bằng chủ yếu từ ngân sách tỉnh, một phần từ ngân sách huyện, thành phố chỉ đáp ứng khoảng 21,68%; hạ tầng được đầu tư từng phần, không đồng bộ, chưa hoàn thiện; khó khăn trong kêu gọi, thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, trong 10 cụm công nghiệp chỉ 01 cụm công nghiệp kêu gọi được 01 nhà đầu tư hạ tầng.

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng thiếu quỹ đất sạch, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với người dân gặp nhiều khó khăn do giá đất trên địa bàn tỉnh tăng cao, ảnh hưởng đến việc thu hút nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, việc bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn, hàng năm đề thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hoàn thiện các công trình đường giao thông nội bộ cụm công nghiệp chưa được ưu tiên thực hiện (giai đoạn 2022-2024, UBND các huyện, thành phố không bố trí ngân sách để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại các cụm công nghiệp).

Ngoài ra, các cụm công nghiệp chưa thu hút được dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp. Ban quản lý dự án đầu tư và khai thác công trình công cộng cấp huyện chủ yếu thực hiện công tác đầu tư hạ tầng theo nguồn vốn ngân sách hỗ trợ, chưa thực hiện chức năng quản lý và thu hút đầu tư tại các cụm công nghiệp…

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :