Tích cực kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải
UBND tỉnh Hưng Yên vừa ban hành Văn bản số 1985/UBND-KT2 về việc tăng cường giải pháp kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Văn bản nêu rõ, thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có diễn biến phức tạp. Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng cả về phạm vi và mức độ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Để kiểm soát, xử lý có hiệu quả, góp phần từng bước ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường và cải thiện chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông trên địa bàn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Trong đó, Sở rà soát, tổng hợp, đánh giá tổng thể hiện trạng các nguồn nước thải có xả thải trực tiếp và gián tiếp vào hệ thống Bắc Hưng Hải; xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư, triển khai các dự án đầu tư cho việc cải tạo, phục hồi môi trường đối với các đoạn sông bị ô nhiễm trên địa bàn.
Sở triển khai có hiệu quả Đề án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn nhằm giảm thiểu, cải thiện chất lượng môi trường nước hệ thống Bắc Hưng Hải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt các đô thị, khu dân cư nông thôn, ưu tiên các khu dân cư dọc, sát hệ thống sông Bắc Hưng Hải.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định chặt chẽ về môi trường các dự án đầu tư, kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án phát sinh nhiều chất thải, nhất là nước thải, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, xả thải trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh. Đồng thời, quan trắc giám sát chất lượng nước hệ thống Bắc Hưng Hải và các dòng sông, kênh theo quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh, trạm quan trắc tự động, liên tục chất lượng nước mặt. Sở tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở có phát sinh lưu lượng nước thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; có kế hoạch rà soát, yêu cầu các cơ sở có lưu lượng nước thải từ 100m³/ngày đêm trở lên lắp đặt, vận hành hiệu quả các thiết bị quan trắc tự động liên tục nước thải để kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường nước mặt. Đồng thời, Sở có kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại làng tái chế chì xã Chỉ Đạo và tái chế nhựa thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm...
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, trinh sát để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố trong quá trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, báo cáo UBND tỉnh xem xét kiên quyết không chấp thuận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, nhiều tài nguyên, phát sinh nguồn thải lớn, nguy hại cho môi trường, khó xử lý.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải theo dõi, giám sát chất lượng, lưu lượng nước thải xả từ cống Xuân Thụy vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để kịp thời có giải pháp kiến nghị, xử lý; lập quy trình vận hành công trình thủy lợi theo quy định.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức vận động người dân, doanh nghiệp tham gia tiến hành xã hội hóa việc thu gom rác thải; lựa chọn rà soát các đơn vị thu gom rác thải đủ điều kiện, khả năng tiềm lực thực hiện; tổ chức tốt việc tuyên truyền về lợi ích của việc xã hội hóa thu gom rác cũng như tác hại của việc vứt rác bừa bãi xuống hệ thống thủy lợi, sông ngòi nói chung và sông Bắc Hưng Hải nói riêng để hạn chế nguồn gây ô nhiễm.
Các địa phương tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải của doanh nghiệp, đơn vị có nguy cơ gây ô nhiễm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về xả thải; kiên quyết yêu cầu tạm dừng hoạt động các dự án, doanh nghiệp không có giấy phép môi trường, không có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy định; xem xét rút giấy phép hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài, gây bức xúc tại địa phương../.
Quang Nhiều