Tàu sân bay "khủng" nhất của Trung Quốc lần đầu ra biển thử nghiệm
Trung Quốc ngày 1-5 tiến hành thử nghiệm trên biển đối với Phúc Kiến, tàu sân bay thứ ba và hiện đại nhất của quốc gia này, theo Reuters.
Tàu Phúc Kiến, được thiết kế và chế tạo hoàn toàn trong nước, lớn hơn và tiên tiến hơn tàu Sơn Đông, được đưa vào vận hành cuối năm 2019 và tàu Liêu Ninh, được Trung Quốc mua cũ từ Ukraine vào năm 1998.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) cho biết tàu Phúc Kiến ra khơi từ nhà máy đóng tàu Giang Nam Thượng Hải ở TP Thượng Hải vào khoảng 8 giờ (giờ địa phương).
Hải quân Trung Quốc không công bố thông tin cụ thể như lịch trình hay địa điểm thử nghiệm tàu sân bay Phúc Kiến.
Đợt thử nghiệm này được tiến hành nhằm xác minh độ tin cậy và ổn định của hệ thống động lực và điện, China Daily dẫn thông báo của Hải quân Trung Quốc cho biết.
Khi được chính thức đưa vào sử dụng, Phúc Kiến sẽ là chiến hạm uy lực và đồ sộ nhất từng được sản xuất bởi một quốc gia châu Á. Đây cũng sẽ là tàu sân bay lớn nhất không do Mỹ sản xuất.
Kể từ khi hạ thủy vào tháng 6-2022, tàu Phúc Kiến đã hoàn tất các cuộc thử nghiệm neo đậu và điều chỉnh thiết bị. Con tàu này đã đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đối với hoạt động thử nghiệm trên biển.
Tàu Liêu Ninh và tàu Sơn Đông trải qua lần lượt 10 và 9 đợt thử nghiệm trên biển trước khi đi vào hoạt động.
So với 2 tàu tiền nhiệm, tàu Phúc Kiến lớn hơn và nặng hơn nhiều, có sàn đáp lớn hơn và cấu trúc thượng tầng nhỏ hơn.
Trung Quốc tích cực củng cố lực lượng hải quân trong những năm gần đây, khi nước này tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động ở Thái Bình Dương và thách thức hệ thống liên minh do Mỹ dẫn đầu.