Số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, Hà Nội khuyến cáo người dân đeo khẩu trang
Hà Nội khuyến cáo người dân đeo khẩu trang và khử khuẩn tại các sự kiện tập trung đông người trước tình hình dịch COVID-19 có nguy cơ lây lan
UBND TP Hà Nội vừa ban hành công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị phải phòng bệnh từ sớm, từ xa và từ cơ sở, mục tiêu dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại.
Hà Nội khuyến cáo người dân đeo khẩu trang. Ảnh: NLĐO
UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan chủ động cung cấp các thông tin về tình hình dịch và khuyến cáo người dân thực hiện thông điệp "2K" (đeo khẩu trang và khử khuẩn) của Bộ Y tế trên các phương tiện giao thông công cộng, tại các sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới. Thông tin về lợi ích, tác dụng của vắc-xin, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi công cộng đối với người phục vụ và hành khách tham gia giao thông.
Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Các địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn; đồng thời bảo đảm nhân lực, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất đáp ứng phòng, chống dịch bệnh theo phương châm "4 tại chỗ".
Sở Y tế Hà Nội được giao thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch của Trung ương, từ đó chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch.
"Ngành Y tế thủ đô chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2" - UBND TP Hà Nội yêu cầu.
Ngành Y tế thủ đô cần tiến hành rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 theo nguyên tắc "4 tại chỗ"; đồng thời phân công số giường bệnh điều trị Covid-19 cụ thể đến từng đơn vị; bố trí đủ nhân lực để theo dõi điều trị Covid-19; chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân và chủ động nâng cao năng lực điều trị, nhất là năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp ứng yêu cầu điều trị. Mặt khác, tiếp tục bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Đối với công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục, UBND thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Thông tin truyền thông, Sở Y tế và các đơn vị liên quan triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống Covid-19 tại các trường. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các trường học.
Tại Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến ngày 1-4, trung bình số ca nhiễm mới từ 2 đến 5 ca/ngày. Tuy nhiên, từ ngày 1-4 đến nay, số ca mắc Covid-19 tăng nhanh. Cụ thể, trong 7 ngày qua, số ca mắc trung bình là 79 ca/ngày. Từ ngày 12-4 đến 16-4, trung bình ghi nhận 96 ca/ngày. Ngày 16-4, ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất, với 99 ca mắc.
Số mắc tăng nhanh nên nhu cầu chăm sóc y tế cũng tăng cao, số người vào viện trung bình khoảng 30 đến 50 người bệnh/ngày. Số mắc cần chăm sóc y tế chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh lý nền, tỷ lệ trẻ em chỉ chiếm 2 đến 6%.
Tính đến ngày 16-4, toàn Hà Nội còn 566 trường hợp đang điều trị, trong đó, có 299 trường hợp bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà (chiếm 53%); 237 trường hợp bệnh nhân có triệu chứng trung bình (chiếm 42%); 27 trường hợp bệnh nhân mức độ nặng phải thở ô xy hỗ trợ qua kính/mast (chiếm 5%); 2 bệnh nhân mức độ nặng phải thở máy điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và 1 trường hợp đã chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.