Quốc hội đồng ý thành lập Quỹ phòng thủ dân sự
Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội, hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự
Sáng 20-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, với đa số đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Phòng thủ dân sự. Theo đó, Luật đã quy định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự trước khi có thảm họa, sự cố.
Đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết trên cơ sở ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xây dựng 2 phương án xin ý kiến đại biểu.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án Luật sáng 20-6. Ảnh: Phạm Thắng
Phương án 1 là lập ngay Quỹ để kịp thời sử dụng trong tình trạng thảm họa, sự cố; phương án 2 là chỉ lập Quỹ khi có tình huống khẩn cấp, do Thủ tướng quyết định. Kết quả, có 68,36% (255 đại biểu) tán thành phương án 1.
Trên cơ sở đó, UBTVQH đã tiếp thu, quy định Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội, hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự.
Quỹ được sử dụng cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm thiết yếu… Quỹ này được hình thành từ đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; nguồn điều tiết từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan.
Về lực lượng phòng thủ dân sự, có ý kiến đề nghị xác định rõ phạm vi, mối quan hệ giữa lực lượng phòng thủ dân sự với các lực lượng phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các lĩnh vực khác để Chính phủ có cơ sở quy định cụ thể, tránh vướng mắc có thể xảy ra khi áp dụng.
Về việc này, UBTVQH nêu rõ hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực như phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh. Do vậy, lực lượng tham gia các hoạt động này đều là lực lượng phòng thủ dân sự.
Tại Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30-8-2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo đã xác định hoạt động phòng thủ dân sự phải dựa vào dân, dân là gốc. Lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, dân phòng; công an xã, phường, thị trấn; lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các bộ, ngành, địa phương...
Việc huy động, sử dụng các lực lượng để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh nói riêng và trong hoạt động phòng thủ dân sự nói chung phải căn cứ tình hình thực tế và theo thẩm quyền được pháp luật quy định. Vì vậy, quy định như dự thảo Luật đã bảo đảm cụ thể và khả thi.
Cùng ngày, Quốc hội cũng đã thông qua dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Luật được Quốc hội thông qua đã bỏ quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Theo UBTVQH, đây là nội dung còn có ý kiến khác nhau nên đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, với 2 phương án.
Phương án 1 đề nghị không quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Phương án 2 đề nghị quy định về chuyển nhượng phần vốn góp cả trong nội bộ thành viên hiện hữu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và cho các cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên.
Trên cơ sở kết quả phiếu xin ý kiến, dự thảo Luật đã được tiếp thu và hoàn thiện theo phương án 1, bỏ quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và một số điều khoản liên quan nhằm bảo đảm phản ánh đúng bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là đối nhân, không phải đối vốn như doanh nghiệp, tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như công ty cổ phần, công ty TNHH, "doanh nghiệp hóa hợp tác xã", thao túng, chi phối của một số cá nhân, tổ chức đối với hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đặc biệt là đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.