Omicron chưa diệt nổi Delta, biến chủng "tử thần" có nguy cơ tái xuất?
Trong khi Delta nhanh chóng khiến các biến chủng trước đó "tuyệt chủng" trong thời gian ngắn, Omicron vẫn chưa làm được điều đó với Delta, các nhà khoa học Israel cảnh báo.
Sự xuất hiện và lây lan nhanh nhưng gây bệnh nhẹ của Omicron từng khiến giới khoa học mừng rỡ vì nó dần lấn át Delta - biến chủng từng gây ra cơn "sóng thần" chết chóc khắp thế giới.
Nhưng điều mong đợi cuối cùng vẫn chưa xảy ra: Delta vẫn chưa bị xóa sổ hoàn toàn. Delta vẫn có thể quay lại khi làn sóng Omicron hạ nhiệt - bài công bố mới trên tạp chí Science of the Total Environment cảnh báo.
Khẩu trang đã thành thói quen của người dân ở Israel - Ảnh: TIME OF ISRAEL
Theo The Jerusalem Post, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Ariel Kushmaro và tiến sĩ Karin Yaniv từ Trường ĐH Ben-Gurion Negev (BGU) ở Beersheba - Israel đã phát triển các công cụ có thể nhận biết và phân biệt các biến chủng khác nhau từ lượng virus khá nhỏ có trong nước thải. Họ nhận thấy Delta vẫn âm thầm tồn tại trong cộng đồng.
Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng một mô hình cho thấy Omicron có xu hướng tự tiêu diệt chính mình bởi nó lây lan quá nhanh và người đã nhiễm một biến chủng thì nguy cơ tái nhiễm chính biến chủng đó cực kỳ thấp. Trong bối cảnh đó, nếu Delta còn tồn tại, nó vẫn có khả năng tấn công cộng đồng một lần nữa.
"SARS-CoV-2 tiếp tục lưu hành dẫn đến đột biến và sự xuất hiện của nhiều biến chủng. Cho đến nay, bất cứ khi nào một biến chủng thống trị mới xuất hiện, nó sẽ áp đảo "người tiền nhiệm" trong một thời gian ngắn" - giáo sư Kushmaro giải thích.
Tuy nhiên đến lượt Omicron, nó có vẻ đang tự áp đảo chính nó. Với tỉ lệ mắc bệnh giảm đáng kể do đã có quá nhiều "F0 khỏi bệnh" - Omicron trong cộng đồng, chính phủ và Bộ Y tế Israel đã loại bỏ hầu hết các hạn chế.
Giáo sư Kushmaro cảnh báo: "Nhưng Delta vẫn đang lưu hành trong một quần thể có khả năng miễn dịch suy yếu và ít chịu hạn chế hơn, có thể tái xuất với số lượng lớn hoặc thậm chí tạo ra một biến chủng mới khác và lây nhiễm ở Israel.
Khả năng xuất hiện một làn sóng từ biến chủng có độc lực cao - dù khả năng rất thấp - vẫn luôn được các nhà khoa học thế giới xem xét một cách thận trọng. Đó là lý do việc tiêm ngừa Covid-19 vẫn được khuyến khích, bởi kháng thể tự nhiên được tạo ra sau khi khỏi bệnh chỉ tồn tại một thời gian nhất định; một số nghiên cứu cũng chứng minh "miễn dịch lai" - tức sở hữu cả "combo" kháng thể từ tiêm chủng và tình trạng F0 khỏi bệnh mới là miễn dịch bền vững.
Trong khi đó, khả năng miễn dịch chéo giữa các biến chủng - tức đã mắc chủng này thì có cơ hội ít mắc và bệnh nhẹ khi gặp chủng khác hay không - vẫn là chủ đề được bàn luận với nhiều bằng chứng khoa học có phần trái ngược nhau được công bố.
Trong báo cáo mới nhất về tình hình Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố hồi cuối tháng 4, hiện Omicron chiếm khoảng 99,5% trình tự gien SARS-CoV-2 trên toàn thế giới; Delta dù bị lấn át nhưng vẫn tồn tại với tỉ lệ thấp dưới 0,1%; 0,4% còn lại chưa xác định cụ thể biến chủng.