A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Giáo dục Thủ đô - 70 năm khẳng định vị trí dẫn đầu

Song hành cùng với sự phát triển của Thủ đô và đất nước, 70 năm chiều dài lịch sử, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng; khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước, tiên phong tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục, hướng đến vươn tầm khu vực và quốc tế.

Từ chặng đường đầy tự hào…

Ngày 10/10/1954, Hà Nội sạch bóng quân thù, hàng vạn người dân vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô. Trước đó chỉ một ngày ngày 9/10/1954, Ủy ban Quân chính TP Hà Nội đã quyết định thành lập bộ máy của Ủy ban Quân chính, trong đó có quyết định thành lập Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lớp học bổ túc văn hóa của phụ nữ lao động khu phố Lương Yên, Hà Nội, ngày 27/3/1956 (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lớp học bổ túc văn hóa của phụ nữ lao động khu phố Lương Yên, Hà Nội, ngày 27/3/1956 (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đây là dấu mốc đầu tiên trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành GD&ĐT Thủ đô trong kỷ nguyên cách mạng. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, lúc này, thành phố chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học, chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường. 80% trẻ em còn lại - chủ yếu là con em của Nhân dân lao động - bị thất học; khoảng 90% dân Hà Nội mù chữ.

Sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền TP Hà Nội đã xác định, việc nhanh chóng xóa nạn mù chữ là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Khắp nơi trên địa bàn Thủ đô, các lớp bình dân học vụ được mở rộng rãi, thu hút đông đảo người học.

Thành phố nhanh chóng phục hồi các trường học, tận dụng hệ thống cơ sở vật chất của chế độ cũ, dù hầu hết đều là trường tư thục với số lượng ít. Chỉ ít ngày sau khi tiếp quản Thủ đô, các trường học của Hà Nội đã khai giảng năm học đầu tiên sau hòa bình.

Hà Nội đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục đào tạo. Nhiều trường học được xây mới khang trang, hiện đại…

Hà Nội đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục đào tạo, nhiều trường học được xây mới khang trang, hiện đại…

Đến cuối năm 1958, Hà Nội đã căn bản hoàn thành việc thanh toán nạn mù chữ với tỷ lệ cao, đạt 97,29% (nội thành đạt 98,1%; ngoại thành đạt 94,6%). Việc bổ túc văn hoá cho cán bộ, công nhân và nhân dân cũng được đẩy mạnh với hơn 85.000 người tham gia các lớp bổ túc văn hoá.

Cùng với kết quả căn bản xử lý xong nạn mù chữ, thành phố cũng tận dụng hệ thống giáo dục cũ về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em các tầng lớp nhân dân; đồng thời phát triển hệ thống các trường công lập, từng bước đưa giáo dục công lập chiếm vai trò chủ đạo trong hệ thống các trường học toàn thành phố.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước, dù nhiều trường học của Hà Nội phải sơ tán về các vùng ngoại thành nhưng vẫn đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, không ngừng đào tạo và chăm sóc các thế hệ tương lai. Rất nhiều nhà giáo đã phải tạm xếp bút nghiên lên đường chiến đấu hoặc tham gia công tác giáo dục ở miền Nam khốc liệt. Trong số đó, không ít người đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Sau khi thống nhất đất nước, Hà Nội cùng cả nước bước vào công cuộc tái thiết sau chiến tranh. Đây là thời kỳ gặp nhiều khó khăn nhưng cũng là thời điểm quan trọng trong lịch sử phát triển giáo dục của Hà Nội.

Trong bối cảnh nhiều trường bị hư hỏng do bom đạn hoặc xuống cấp trầm trọng, học sinh phải học trong điều kiện thiếu thốn về sách vở, dụng cụ học tập, Hà Nội đã tập trung vào việc phổ cập giáo dục tiểu học và thực hiện chương trình xóa mù chữ cho người lớn và trẻ em. Chiến dịch này được triển khai rộng khắp với sự tham gia của nhiều lực lượng, bao gồm giáo viên, sinh viên, và đoàn viên thanh niên. Nhờ đó, tỷ lệ người biết chữ tại Hà Nội dần được nâng cao.

Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành GD&ĐT Hà Nội luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh “trồng người” cao cả với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện; góp sức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước.

Với học sinh Thủ đô, mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Với học sinh Thủ đô, mỗi ngày đến trường là một ngày vui

… đến quy mô giáo dục lớn nhất cả nước

Hà Nội hiện đã trở thành trung tâm giáo dục hàng đầu cả nước, với hệ thống trường học, đại học và các trung tâm nghiên cứu khoa học phát triển mạnh mẽ.

Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước về cả số lượng học sinh, giáo viên, trường học cũng như đầu tư vào cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục. Tính đến năm 2024, Hà Nội có tổng số 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, với gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên.

Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia của thành phố hiện nay là trên 1.600 trường, chiếm tỷ lệ 72%. Trên địa bàn Hà Nội còn có 97 trường đại học, học viện và 33 trường cao đẳng, chiếm 1/3 số trường và 40% tổng số sinh viên cả nước.

Mạng lưới trường, lớp được mở rộng. Cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư. Nhiều trường học ở Hà Nội đã được nâng cấp với cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm phòng học thông minh, thư viện điện tử và hệ thống phòng thí nghiệm tiên tiến.

Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong việc áp dụng công nghệ số vào giáo dục, đặc biệt là trong thời kỳ dịch COVID-19, giúp duy trì việc học trực tuyến hiệu quả.

Ngành Giáo dục Thủ đô - 70 năm khẳng định vị trí dẫn đầu

Về chất lượng đội ngũ giáo viên, thành phố không ngừng đầu tư và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giúp nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng giảng dạy.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023 - 2024, tổng số cán bộ giáo dục và giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội là khoảng 130.000 người. 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học của Hà Nội đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2005.

Nhiều trường ở Hà Nội đã triển khai các chương trình giảng dạy song ngữ và liên kết với các trường quốc tế. Hà Nội hiện có hơn 30 trường quốc tế và trường song ngữ, đào tạo học sinh theo chuẩn quốc tế, giúp tăng cường kỹ năng tiếng Anh và khả năng hội nhập toàn cầu.

Về chất lượng giáo dục đại trà, Hà Nội luôn có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cao, vượt mức trung bình cả nước. Năm 2024, tỷ lệ học sinh Hà Nội đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,8%, mức trung bình cả nước là 99,4%.

Về giáo dục mũi nhọn, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với 184 học sinh đoạt giải năm 2023. Học sinh Hà Nội cũng giành nhiều huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế ở các môn như: Toán, Lý, Hóa, Sinh học và Tin học.

Hà Nội cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học từ năm 1990, trung học cơ sở năm 1999 và là một trong 4 địa phương đầu tiên của cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Thời gian qua, ngành GD&ĐT Thủ đô đã triển khai nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong xã hội như: “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025; “Tiếng trống học bài”. Cùng với đó là câu lạc bộ của các hiệu trưởng, giáo viên, nhóm chuyên môn, nhà trường... đang hoạt động hiệu quả.

Ngành Giáo dục Thủ đô - 70 năm khẳng định vị trí dẫn đầu

Công tác giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học được quan tâm thực hiện. Ngành đã triển khai đồng bộ để thực hiện lời nhắn nhủ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về 3 chữ “An” trong nhà trường: “Học trò đến trường phải được an toàn - Thầy cô giáo phải được an lành - Phụ huynh đưa con đến trường được an tâm”.

Ngành GD&ĐT Thủ đô chủ động, tích cực trong việc tiếp cận, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong đổi mới phương thức quản trị cơ sở giáo dục cũng như quản lý Nhà nước về giáo dục. Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM ngành GD&ĐT Hà Nội được tổ chức thành công, qua đó lan tỏa nhiều mô hình sáng tạo.

Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về kết quả triển khai Học bạ số cấp tiểu học; địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành giáo dục thông minh.

Hợp tác về GD&ĐT của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và tỉnh, thành phố trên thế giới được tăng cường như với Fukuoka, Tokyo (Nhật Bản); Chiết Giang (Trung Quốc), Tasmania (Úc), New Zealand, Chungcheongbuck, Gyeongsangbuk (Hàn Quốc), Singapore, Viêng Chăn, Champasak (Lào)...

Ngoài việc chú trọng học thuật, Hà Nội còn đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống, giá trị đạo đức, lối sống văn minh cho học sinh. 2023 cũng là năm đầu tiên học sinh thành phố có một sân chơi nghệ thuật thông qua Liên hoan các ban, nhóm nhạc học sinh THPT trên địa bàn thành phố.

Riêng về công tác cải cách hành chính, ngành GD&ĐT Thủ đô đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý phù hợp với tình hình thực tế; tổ chức triển khai trung tâm điều hành giáo dục thông minh (IOC) phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố.

Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đầu cấp và quản lý học sinh được chú trọng đẩy mạnh, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục...

Hiện nay, giáo dục Hà Nội không chỉ tập trung vào phát triển hệ thống giáo dục công lập mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển của các trường dân lập, quốc tế. Hà Nội cũng đang đẩy mạnh hội nhập giáo dục quốc tế với việc áp dụng các tiêu chuẩn và phương pháp giảng dạy tiên tiến của thế giới.

Với sự phát triển không ngừng, giáo dục Hà Nội đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước, trở thành một điểm sáng của ngành giáo dục Việt Nam.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khen thưởng học sinh đoạt huy chương trong kỳ thi Olympic Thiên văn và Vật lý Thiên văn quốc tế

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khen thưởng học sinh đoạt huy chương trong kỳ thi Olympic Thiên văn và Vật lý Thiên văn quốc tế

Vươn tầm khu vực và quốc tế

Bước sang kỷ nguyên công nghiệp 4.0 với sự đổi mới và sáng tạo, nơi giao thoa của con người và thế giới số, trước những cơ hội và thách thức khi hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và quốc tế, ngành Giáo dục Thủ đô đã có định hướng phát triển cho thời cuộc mới, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo ông Trần Thế Cương, lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu được xác định theo hướng: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện hiệu quả chủ trương GD&ĐT cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, động lực then chốt để phát triển Thủ đô và đất nước”.

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT Hà Nội đã biên soạn và đưa vào giảng dạy cho học sinh Thủ đô những giá trị chân, thiện, mỹ về nếp sống văn hóa, văn minh, thanh lịch rất riêng, đáng tự hào của Thủ đô Thăng Long - Hà Nội, chất văn hóa ngấm sâu vào tâm thức của mỗi cá nhân, truyền từ đời này sang đời khác.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương động viên học sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương động viên học sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10

Mục tiêu mà ngành GD&ĐT Thủ đô đặt ra là giáo dục Hà Nội trong thời kỳ hội nhập phải đảm bảo phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng, phát huy tối đa nội lực, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến thế giới.

Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh; mở rộng quy mô giáo dục hợp lý, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể học tập suốt đời.

“70 năm sau ngày Thủ đô giải phóng, trải qua bao thăng trầm lịch sử, thầy trò ngành GD&ĐT Thủ đô luôn vững vàng hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, tiếp lửa truyền thống mạch nguồn tri thức cho đất nước.

Hào khí Thăng Long sẽ mãi tỏa sáng, soi rọi cho sự nỗ lực không ngừng cho định hướng phát triển bền vững và hội nhập của hơn 2,3 triệu thầy trò ngành GD-ĐT Thủ đô”, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: Thành phố luôn xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội trong tương lai.

Vì vậy, thành phố tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục của Thủ đô

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :