Moscow sẵn sàng cung cấp uranium làm giàu cho Iran
Tuyên bố trong cuộc họp báo tại Rio de Janeiro hôm 7/7, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết, Nga sẵn sàng cung cấp uranium làm giàu cho Iran.
![]() |
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. |
Nga sẵn sàng
Quyết định có thể được Nga đưa ra nhằm giúp phục vụ nhu cầu năng lượng hạt nhân hòa bình của Iran, hãng Avia cho biết.
Moscow có thể lấy lượng uranium làm giàu thấp dư thừa của Iran, làm giàu lên mức cần thiết (khoảng 3,67–19,75% để sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân) và trả lại cho Iran để vận hành các cơ sở hạt nhân, chẳng hạn như lò phản ứng nghiên cứu Tehran hoặc nhà máy điện hạt nhân Bushehr.
Nga cũng có thể đóng vai trò là người trung gian trong các cuộc đàm phán giữa Iran và Mỹ nếu Tehran bày tỏ mong muốn như vậy, xét đến kinh nghiệm thành công của Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung năm 2015 (JCPOA), mà Mỹ đã rút khỏi vào năm 2018.
Tuyên bố của ông Lavrov được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran đang leo thang. Vào tháng 6 năm 2025, Mỹ và Israel đã tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran ở Natanz, Fordow và Isfahan, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã "phá hủy hoàn toàn" chúng.
Tuy nhiên, Giám đốc IAEA Rafael Grossi đã phủ nhận điều này, nói rằng thiệt hại là đáng kể nhưng không quá nghiêm trọng và Iran có thể tiếp tục làm giàu uranium trong vòng vài tháng. Theo IAEA, Iran đã tích trữ khoảng 400 kg uranium làm giàu đến 60%, gần với cấp độ vũ khí (90%), đủ để chế tạo tới chín vũ khí hạt nhân.
Bất chấp các cuộc tấn công, Iran vẫn tuyên bố có quyền làm giàu uranium vì mục đích hòa bình. Alaeddin Boroujerdi, một thành viên của ủy ban an ninh quốc gia của quốc hội Iran, cho biết Tehran sẽ tiếp tục chương trình, thậm chí là 90% nếu cần thiết, gọi yêu cầu của Mỹ về "làm giàu bằng không" là vô ích.
Đại diện thường trực của Iran tại Liên hợp quốc, Amir Saeed Iravani, xác nhận rằng nước này sẽ không từ bỏ việc làm giàu uranium bất chấp áp lực quốc tế.
Nga đã cung cấp các dịch vụ tương tự cho Iran. Năm 2009, theo Politico, Moscow đã sẵn sàng làm giàu uranium của Iran lên 19,75% cho một lò phản ứng nghiên cứu dưới sự kiểm soát của IAEA, sau đó sẽ được dùng để sản xuất các cụm nhiên liệu. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được thực hiện do bất đồng giữa các bên.
Mỹ gieo mầm
Khi Tổng thống Donald Trump hạ lệnh tấn công chương trình hạt nhân Iran cuối tháng trước, ông đã đương đầu với một cuộc khủng hoảng mà Mỹ từng gieo mầm từ nhiều thập kỷ trước, qua việc cung cấp cho Tehran "hạt giống công nghệ hạt nhân", theo Reuters.
Nép mình ở vùng ngoại ô phía bắc thủ đô Tehran là một lò phản ứng hạt nhân nhỏ, được dùng với mục đích khoa học phi quân sự. Nó không phải mục tiêu trong chiến dịch mà Israel tiến hành trong 12 ngày hồi tháng 6 với lý do "loại bỏ khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân của Iran".
Lò phản ứng Nghiên cứu Tehran này là thiết bị mang tính biểu tượng. Nó được Mỹ chuyển cho Iran vào thập niên 1960, nằm trong chương trình "Nguyên tử vì Hòa bình" của tổng thống Dwight D. Eisenhower.
Chương trình chia sẻ công nghệ hạt nhân với các đồng minh của Washington, những nước khao khát hiện đại hóa kinh tế và muốn xích lại gần Mỹ hơn trong thế giới bị chia cắt bởi Chiến tranh Lạnh.
Lò phản ứng này hiện nay không tham gia vào quá trình làm giàu uranium của Iran. Nó sử dụng nhiên liệu hạt nhân quá yếu để có thể tạo ra bom nguyên tử. Tuy nhiên, đây là một minh chứng về cách mà Mỹ đã giới thiệu công nghệ hạt nhân cho Iran, khi đó do một quân vương thế tục (tách tôn giáo khỏi chính trị), thân phương Tây lãnh đạo.
"Chúng ta đã trao cho Iran bộ công cụ khởi đầu", Robert Einhorn, cựu quan chức kiểm soát vũ khí từng tham gia quá trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ với Iran, cho biết.