A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lạm phát khu vực Eurozone giảm xuống 2,8% trong tháng Một

Lạm phát tại Eurozone trong tháng 1/2024 đã giảm nhẹ xuống 2,8%, vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của ECB nhưng thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 10,6% trong tháng 10/2022.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Vienna, Áo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo số liệu ngày 1/2 của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 1/2024 đã giảm nhẹ xuống 2,8%, so với mức 2,9% trong tháng 12/2023, chủ yếu nhờ xu hướng tăng giá cả lương thực, thực phẩm có phần chững lại.

Theo Eurostat, mức lạm phát trong tháng Một vừa qua vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và cao hơn so với mức dự đoán 2,7% mà giới phân tích đưa ra trong khảo sát của hãng Bloomberg và công ty dữ liệu tài chính FactSet.

Mặc dù vậy, chỉ số này đã thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 10,6% trong tháng 10/2022 - thời kỳ giá các mặt hàng năng lượng tăng mạnh.

Chuyên gia kinh tế Peter Vanden Houte thuộc tập đoàn ngân hàng và dịch vụ tài chính đa quốc gia ING Bank thận trọng: "Vẫn còn quá sớm để tuyên bố về chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát."

Với tỷ lệ lạm phát tháng Một như trên, ECB yên tâm với chính sách thận trọng về lãi suất, theo đó chưa vội cắt giảm lãi suất, sau thời gian tạm ngừng chuỗi tăng lãi suất chưa từng có tiền lệ nhằm "ghìm cương" lạm phát.

Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn hy vọng ECB có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất vào trước mùa Hè này.

Cụ thể, trong "rổ" hàng hóa để tính chỉ số lạm phát, chỉ số giá lương thực thực phẩm và đồ uống trong tháng Một vừa qua đã giảm xuống còn 5,7% so với mức 6,1% trong tháng trước đó.

Chỉ số giá các mặt hàng năng lượng giảm xuống 6,3% so với mức 6,7% trong tháng 12/2023.

Chỉ số lạm phát lõi, không tính giá năng lượng, lương thực-thực phẩm, thuốc lá và đồ uống có cồn, cũng giảm xuống 3,3% trong tháng Một, từ mức 3,4% trong tháng 10/2023.

ECB quan tâm nhiều hơn đến lạm phát lõi và ECB cho rằng chỉ số này giảm chậm trong tháng 1 sẽ vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát dai dẳng.

Hồi tuần trước, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông làm gia tăng rủi ro đối với lạm phát, đồng thời nhấn mạnh ECB sẽ không sớm thực hiện chính sách cắt giảm lãi suất, mặc dù tỷ lệ lạm phát đang có xu hướng giảm nhẹ trong thời gian này./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :