A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khô hạn kỷ lục tại kênh đào Panama, chuỗi cung ứng toàn cầu nguy cơ gián đoạn trở lại

Panama, một trong những quốc gia ẩm ướt nhất thế giới, dù đã trải qua nửa mùa mưa nhưng lại đang trong tình trạng khô hạn kỷ lục.

Tại Kênh đào Panama, nơi dòng nước ngọt đóng vai trò là huyết mạch cho hoạt động vận tải đường thuỷ, việc lượng mưa không đủ lớn khiến mực nước thấp hơn và gây áp lực lên huyết mạch vận tải quốc tế quan trọng. Chính quyền địa phương theo đó phải áp đặt các hạn chế về trọng lượng tàu và lưu lượng tàu lưu thông hàng ngày.

Trong tuần qua, Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama đã gia hạn các biện hạn chế thêm ít nhất 10 tháng nữa.

Kênh đào Panama phụ thuộc vào nguồn nước từ các hồ nước ngọt lân cận. Sau đó, hệ thống khóa nước của kênh đào, sử dụng một lượng nước khổng lồ ít nhất là 50 triệu gallon, để giúp từng chiếc tàu qua kênh. Thông thường, vào thời điểm này trong năm, mực nước hồ đang dâng cao. Tuy nhiên, lượng mưa ở Panama vào mùa xuân và mùa hè năm 2023 đang ở mức thấp nhất kể từ đầu thế kỷ này, Jon Davis, người đứng đầu bộ phận khí tượng học tại Everstream Analytics, cho biết.

Ông nói: “Điều đó không có nghĩa là mực nước của các hồ nước ngọt sẽ giảm. Hiện chúng tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu cải thiện đáng kể nào cho tháng tới. Và với việc hiện tượng El Niño đã và sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian còn lại của năm nay và đến đầu năm 2024, đây rõ ràng là mối lo ngại về lâu dài”.

Theo ông, điều đó có thể dẫn đến tình trạng khô hạn hơn trên khắp khu vực phía Nam Trung Mỹ, bao gồm cả Panama.

“Chúng tôi không thể dự đoán được mức độ gián đoạn và chúng tôi cũng không biết chuỗi cung ứng đã chuẩn bị thế nào cho việc này. Song, chắc chắn chúng ta đang ngày càng phải đối mặt với nhiều vấn đề”, ông nói.

Mặc dù tác động trực tiếp tới các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và người tiêu dùng Mỹ đến nay dường như là rất nhỏ, song khả năng xảy ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên diện rộng đang gia tăng.

Hiện tại, thời gian chờ đợi chung ở Kênh đào Panama đã tăng vọt. Tính đến giữa tháng 8, có khoảng 135 tàu đang chờ ở hai đầu kênh, tăng so với con số 29 của tháng trước, Everstream Analytics lưu ý thêm rằng các tàu chờ thường là tàu chở khí hoặc tàu chở hàng rời.

Số lượng tàu chờ từ 5 ngày trở lên vẫn tiếp tục tăng, kéo dài thêm tình trạng tắc nghẽn. Nó bắt đầu ảnh hưởng đến độ tin cậy của dịch vụ và gây ra sự chậm trễ trong vận chuyển trên khắp nước Mỹ và châu Âu, theo Everstream.

Chỉ các tàu container được ưu tiên không bị ảnh hưởng đáng kể bởi các biện pháp hạn chế của chính quyền, Everstream cho hay.

Trả lời CNN qua email, Everstream cho biết: “Hầu hết hãng vận tải biển đã phải giảm tải cho tàu của họ, nhưng cho đến nay điều đó vẫn chưa có tác động đáng kể đến lịch trình và giá cước. Tuy nhiên, nếu các hãng container buộc phải tiếp tục tải ít container hơn thì sẽ xuất hiện vấn đề đối với các công ty Mỹ đang cố gắng bổ sung hàng tồn kho trước kỳ nghỉ lễ cuối năm, từ đồ trang trí Giáng sinh đến đồ nội thất và đồ chơi”.

Đây là một ví dụ khác về việc thời tiết ảnh hưởng tới các tuyến đường thủy vận tải. Hai năm trước, gió lớn và bão cát được cho là nguyên nhân khiến con tàu Ever Given khổng lồ mắc cạn ở Kênh đào Suez, khiến giao thông và thương mại quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cho dù là do khí hậu, thời tiết, địa chính trị hay một số tình huống không lường trước, việc giao thông đường biển bị tắc nghẽn ở đâu đó đều có thể gây rắc rối cho mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Janelle Griffith - Giám đốc mảng logistics Bắc Mỹ thuộc công ty môi giới bảo hiểm và tư vấn rủi ro Marsh, cho biết: “Khoảng 80% hàng hóa thương mại của chúng ta được vận chuyển bằng tàu thuỷ. Vì vậy, chúng ta nên lo lắng khi nhìn thấy những điểm tắc nghẽn như vậy. Khi bạn bị tắc nghẽn ở một phần của chuỗi cung ứng, phần còn lại sẽ tự động bị ảnh hưởng theo”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :