A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huy động trí tuệ tập thể, đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch Thủ đô

Thủ đô Hà Nội với vai trò là trung tâm chính trị- hành chính quốc gia, là đô thị đặc biệt, hạt nhân của vùng đồng bằng sông Hồng, do đó, việc lập “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Nhiều nhà khoa học, chuyên gia... đã "hiến kế" với tâm thế coi đây là cơ hội để đóng góp trí tuệ, trăn trở của mình vào sự phát triển của Thủ đô.

hiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô là việc lớn
Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô là việc lớn, được thực hiện hết sức khẩn trương. Ảnh minh hoạ

Lập Quy hoạch Thủ đô được thực hiện hết sức khẩn trương

Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) đã được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký quyết định phê duyệt ngày 7/3/2022. Đây là dấu mốc quan trọng để thành phố tập trung chỉ đạo triển khai việc lập, thẩm định, phê duyệt Đồ án theo quy định của Chính phủ.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Hà Nội đã chủ động triển khai đồng thời, đồng bộ các bước, rút gọn quy trình thủ tục nhưng vẫn bảo đảm quy định. Thành phố đã liên hệ, mời các chuyên gia, nhà khoa học để tham vấn, hướng dẫn cơ quan lập quy hoạch là Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

Theo TS Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị TP cùng tâm huyết của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học dành cho Thủ đô Hà Nội, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô đã được thực hiện hết sức khẩn trương nhưng cũng rất công phu và kỹ lưỡng. Trong suốt 22 tháng triển khai, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã tham mưu UBND TP tổ chức và chủ trì tổ chức hàng trăm buổi hội thảo, tọa đàm, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, Vụ Quản lý Quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các đơn vị thuộc thành phố.

Đặc biệt là chuỗi gần 20 buổi hội thảo, tọa đàm với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về những nội dung tích hợp quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa bàn do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải trực tiếp chủ trì. Trong quá trình triển khai công tác lập Quy hoạch, các sở ngành, quận, huyện đã chủ động phối hợp với Viện, đơn vị tư vấn, chuẩn bị các nội dung đề xuất của ngành, lĩnh vực, địa phương. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, nên dù thời gian chưa nhiều, song dự thảo báo cáo tích hợp Quy hoạch Thủ đô với dung lượng hơn 1.000 trang, chất lượng tương đối đảm bảo đã được hoàn thành đúng tiến độ.

Theo báo cáo của GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện Liên danh tư vấn lập quy hoạch Thủ đô, qua phân tích tiềm năng, đặc thù, thực trạng và những điểm nghẽn trong phát triển thời gian qua, Liên danh tư vấn đã đề xuất định hướng quy hoạch gồm 5 quan điểm phát triển, 4 khâu đột phá, 3 kịch bản phát triển kinh tế; 5 trụ cột phát triển Thủ đô.

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng xác định phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội Thủ đô gồm 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 không gian phát triển, 5 vùng đô thị, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh tại Văn bản số 1034/TB-UBND, ngày 2/11/2023, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị tư vấn, chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục rà soát, thống nhất 5 nội dung cụ thể, trong đó có việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Thủ đô, tham mưu UBND TP tổ chức lấy ý kiến theo quy định. Đồng thời, Chủ tịch UBND TP cũng giao các sở, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã và những đơn vị liên quan phối hợp với Viện, tiếp tục tham gia ý kiến đóng góp để hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô theo quy định; thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 11/10/2023 của UBND TP về việc triển khai lấy ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Trong tháng 11/2023, dự thảo Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đưa ra xin ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo kế hoạch, việc tiếp nhận các góp ý nhằm hoàn thiện nội dung quy hoạch được thực hiện trong tháng 11/2023 để tiếp tục triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

Làm rõ thực tiễn trong thực hiện quy hoạch

Dự kiến ngày 21/11, một hội thảo khoa học tầm cỡ, được chuẩn bị công phu sẽ được Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lập Quy hoạch Thủ đô; đồng thời làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch phù hợp với các định hướng quan trọng theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia đóng góp trí tuệ Quy hoạch THủ đô

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã đóng góp trí tuệ cho Quy hoạch Thủ đô

Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô; việc cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan và của TP về công tác lập Quy hoạch Thủ đô; sự tham gia thực hiện công tác lập Quy hoạch Thủ đô của cả hệ thống chính trị TP.

Đồng thời, hội thảo làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với các định hướng quan trọng theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội thảo cũng góp phần tuyên truyền tạo sự thống nhất giúp các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức, người dân trên địa bàn Thủ đô hiểu, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô trong phát triển kinh tế - xã hội TP; huy động sự tham gia góp ý của các tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu vào công tác lập Quy hoạch Thủ đô.

Hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” sẽ tập trung thảo luận 2 nhóm vấn đề lớn:

Nhóm 1: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhóm 2: Thực tiễn xây dựng và thực hiện quy hoạch các ngành và quận, huyện TP Hà Nội để sử dụng hiệu quả các nguồn lực thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội thảo dự kiến có khoảng 250 đại biểu tham dự, trong đó có đại diện các cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, lãnh đạo các Sở, ban, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã; các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp…

Trong quá trình chuẩn bị cho hội thảo, Ban Tổ chức nhận được hơn 60 bài tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, các Bộ, ban, ngành Trung ương, các Sở, ban, ngành Hà Nội. Các bài viết chất lượng, tâm huyết, đóng góp có giá trị cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Ban Tổ chức lựa chọn một số tham luận trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Đây là các tham luận tiêu biểu, tập trung vào các nội dung trọng yếu như: Lý luận và thực tiễn trong xây dựng Quy hoạch Thủ đô; Một số nội dung chủ yếu về Quy hoạch Thủ đô; Thể chế để phát triển Thủ đô theo hướng thông minh và bản sắc, tầm nhìn đến năm 2050; Cơ chế, chính sách “vượt trội”, đặc thù bảo đảm lợi thế so sánh và ưu thế cạnh tranh cho phát triển Thủ đô; Cách tiếp cận đa chiều đối với lập Quy hoạch Thủ đô; Quản lý Quy hoạch để phát triển không gian Thủ đô; Phát huy vai trò của các nguồn vốn tài chính, đất đai trong xây dựng và phát triển Thủ đô;…

Bên cạnh đó, còn có các ý kiến trao đổi, góp ý, đề xuất ý tưởng của các nhà khoa học được mời tham dự Hội thảo. Kết thúc Hội thảo, trên cơ sở các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, Ban Tổ chức sẽ hoàn thiện nội dung, đây sẽ là tài liệu quan trọng đối với công tác lập Quy hoạch Thủ đô mà TP đang triển khai thực hiện, cũng như việc xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :