A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoàn thiện bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hiện đại

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững và hội nhập quốc tế.

Quang cảnh kỳ họp

Quang cảnh kỳ họp HĐND TP Hà Nội

Có cơ chế để Hà Nội được chủ động quyết định biên chế

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại. Một trong sốnhững nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện định hướng xây dựng Thủ đô là hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu quản trị Hà Nội trong giai đoạn phát triển mới; phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn của Thủ đô; tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Về cơ bản, việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế (quy định tại điểm a, điểm b Khoản 1, Điều 9 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ) là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo.

Việc phân quyền cho HĐND thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại và giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND Thành phố, quận, huyện, thị xã sẽ tạo ra được sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, cũng có thể nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện đặt ra để đảm bảo sự cần thiết,thận trọng và chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này.

Việc có cơ chế để thành phố được chủ động quyết định biên chế, bảo đảm khả năng hoàn thành các nhiệm vụ, quyền hạn được giao cũng là cần thiết. Theo quy định hiện nay, việc quản lý biên chế hành chính do Chính phủ quyết định; biên chế sự nghiệp do chính quyền địa phương quyết định sau khi trình xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền. Việc xác định số lượng biên chế căn cứ trên cơ sở Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt. Tuy nhiên, việc giao biên chế chưa thực sự hợp lý vì chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết về biên chế của thành phố.

Theo số liệu mà Tờ trình số 512, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã cung cấp, thì so với tổng biên chế được giao năm 2015, tổng số biên chế hành chính được giao năm 2021 đã giảm 15,65%; biên chế viên chức (hưởng lương ngân sách nhà nước) được giao năm 2021 giảm 10% so với năm 2015. Biên chế giảm nhưng số lượng công việc không giảm mà còn có xu hướng gia tăng dẫn đến áp lực thực hiện nhiệm vụ đối với công chức, viên chức thành phố rất lớn, đặc biệt đối với công chức.

Nếu tính theo số dân/biên chế công chức thì hiện nay ở Hà Nội là: 1.016 người dân/1 công chức (trong khi trung bình tại 63 tỉnh, thành phố hiện nay (tính đến tháng 6/2021) là 686 người dân/1 công chức. Chính vì vậy, quy định việc phân quyền cho thành phố được chủ động trong việc quyết định số biên chế tăng thêm sẽ tạo được cơ sở pháp lý cần thiết giúp bảo đảm nguồn nhân lực công vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô.

Tuy nhiên, nếu quy định như tại dự thảo là "giao cho HĐND thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm” là chưa rõ ràng, chưa rõ cơ quan nào có thẩm quyền quyết định, chưa rõ biên chế dự phòng lấy từ nguồn nào.

Vì vậy, nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền thành phố. Quy định như vậy sẽ giúp Hà Nội có thể chủ động hơn về nguồn biên chế, có thể tăng hoặc giảm biên chế trong từng thời kỳ tùy vào nhu cầu thực tiễn của địa phương.

Về số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25% (khoản 2 Điều 9). Đây là một giải pháp cần thiết nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND. Ngoài 38 nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nếu được phân quyền mạnh mẽ như trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), số lượng nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố Hà Nội dự kiến tăng lên khoảng 110 nhiệm vụ, quyền hạn. Nếu xét về tỷ lệ, hiện nay tỷ lệ đại biểu HDND thành phố trên dân số Thủ đô đang ở mức gần 90.000 người dân/1 đại biểu, trong khi bình quân chung của cả nước vào khoảng 26.500 người dân/1 đại biểu.

Mặt khác, với việc không tổ chức HĐND phường, số lượng đại biểu HĐND các cấp của thành phố đã giảm đi đáng kể và tới đây sẽ tiếp tục giảm khi một số huyện của TP phát triển thành quận. Do đó, yêu cầu đặt ra là tổ chức, cơ cấu bộ máy của HĐND TP, nhất là đội ngũ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cũng phải đủ mạnh để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng giám sát, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Việc tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND từ 2 lên 3 (khoản 3 Điều 9), mở rộng thành phần của Thường trực HĐND so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng hoàn toàn phù hợp nhằm bảo đảm nguồn nhân lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND; bảo đảm sự tương đồng trong hệ thống chính trị và bộ máy thực thi nhiệm vụ của chính quyền Thủ đô hiện nay. Tuy nhiên, cũng có thể nghiên cứu thêm việc đổi mới phương thức làm việc của HĐND thành phố để nâng cao hơn tính chuyên nghiệp và chất lượng, hiệu quả hoạt động của thiết chế này.

Tán thành về sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tiến khẳng định, việc hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đề ra được những chính sách đặc thù, phù hợp với vị trí, vai trò của trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, tạo hành lang pháp luật cho Thủ đô phát triển nhanh chóng và hiệu quả.

Hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trong kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, Hà Nội thí điểm thực hiện điểm mô hình không tổ chức HĐND cấp phường theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội trong bối cảnh thành phố gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khó lường; tình hình kinh tế đang trong giai đoạn suy thoái và phục hồi chậm…

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) phát biểu tại tổ ngày 10-11.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) phát biểu tại tổ

Tuy nhiên, ba năm qua, với sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố, đến nay kết quả đạt được rất tích cực. Đó là mô hình chính quyền địa phương cấp phường chỉ bao gồm UBND phường được kiện toàn tinh gọn, hiệu lực. Hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên. Cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức có nhiều chuyển biến tích cực. Việc phân cấp, ủy quyền linh hoạt, chủ động trong triển khai hoạt động công vụ. Trách nhiệm của cán bộ, công chức được nâng cao, giảm bớt nhiều khâu trung gian, rút ngắn quy trình, thủ tục và thời gian trong việc giải quyết công việc.

Ngoài ra, việc quy định UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng phù hợp với chức năng là cơ quan hành chính tại phường nhưng vẫn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy phường, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền nên vẫn duy trì được cơ chế kiểm soát quyền lực đối với UBND phường và chủ tịch UBND phường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc cần được nghiên cứu, tháo gỡ, tiếp tục hoàn thiện, như: Cơ cấu tổ chức phường không bao gồm trưởng công an phường vì không phải là công chức theo Luật Cán bộ công chức, trong khi Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định trưởng công an phường thuộc cơ cấu của phường.

Thành phố cũng chưa có quy định về việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của HĐND phường, UBND phường ban hành trước ngày 1/7/2021 mà không còn phù hợp hoặc trái với văn bản ban hành sau ngày 1/7/2022.

Do UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách nên UBND phường không còn sự chủ động trong công tác điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ khác.

Ngoài ra, việc quản lý cán bộ, công chức phường thuộc quận, thị xã nhưng cán bộ thuộc tổ chức Đảng, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ, công chức xã, thị trấn vẫn là công chức cấp xã đã gây khó trong công tác quản lý cán bộ, công chức. Số lượng biên chế công chức phường hạn chế bình quân 15 biên chế/phường không đáp ứng nhu cầu, nhất là các phường đông dân cư…

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cũng đánh giá về kết quả thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách HĐND thành phố Hà Nội theo Nghị quyết 160/2021/QH14 của Quốc hội.

Mô hình này được thực hiện ngay trong nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, Thường trực HĐND thành phố gồm: Chủ tịch, hai phó chủ tịch và các ủy viên là bốn trưởng các ban của HĐND thành phố. Tất cả Thường trực HĐND thành phố đều là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Tổng số đại biểu chuyên trách của HĐND thành phố được xác định tối đa 19 đại biểu, đã bố trí được 18 đại biểu hoạt động chuyên trách. Tổ chức bộ máy nhờ được tăng cường về số lượng nên hoạt động của HDND thành phố được nâng cao rõ rệt, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách và trong hoạt động giám sát.

“Bên cạnh kết quả đạt được, mô hình thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách HĐND thành phố Hà Nội còn chưa bảo đảm sự tập trung thống nhất trong chỉ đạo thực hiện từ thành phố xuống phường, vì mô hình chính quyền phường không có HĐND phường”, đại biểu Trần Văn Tiến nêu.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu cho rằng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại dự thảo Luật cần được hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững và hội nhập quốc tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :