Hà Nội và TP HCM hợp tác toàn diện
Hai thành phố cùng hợp tác phát triển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đóng góp vào sự nghiệp chung xây dựng và phát triển đất nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội của 2 địa phương phát triển nhanh và bền vữn
Chiều 18-10, tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM) đã diễn ra Hội nghị trao đổi kinh nghiệm và hợp tác giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM. Tham dự hội nghị có ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM.
Khai thác lợi thế của 2 thành phố
Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 thành phố đã thông báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở 2 địa phương trong 9 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, trong 9 tháng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM tăng 4,57% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước là 326.193 tỉ đồng. Với Hà Nội, trong 9 tháng, GRDP tăng 6,08%; trong đó quý sau tăng cao hơn quý trước. Tổng thu ngân sách nhà nước của Hà Nội trong 9 tháng đầu năm là 305.321 tỉ đồng.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, TP HCM và Hà Nội đều bảo đảm duy trì, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và công tác dân vận tiếp tục được TP HCM và Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Kết quả, tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên ổn định; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn năng động, sáng tạo, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Theo đại diện lãnh đạo 2 thành phố, công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục được các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm đề ra nhiều giải pháp mới, thiết thực, gần gũi, thuyết phục; phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội luôn đổi mới, sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động và tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên tặng quà của TP HCM cho đoàn lãnh đạo TP Hà Nội
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết trong thời gian qua, công tác quy hoạch của địa phương được đẩy nhanh tiến độ, hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị được quan tâm. Hạ tầng giao thông của Hà Nội được đầu tư đồng bộ, nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành, đưa vào khai thác hoặc khởi công như: đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao); dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô... "Mạng lưới giao thông được tổ chức lại đã góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng. Phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư được tập trung chỉ đạo. Công tác quản lý trật tự xây dựng, chỉnh trang đô thị được tăng cường. Hạ tầng cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải bước đầu khắc phục tình trạng úng ngập trên địa bàn thành phố" - ông Trần Sỹ Thanh thông tin.
Tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong hoạt động giám sát của HĐND thành phố. Bà Nguyễn Thị Lệ cho biết HĐND TP HCM đã ban hành và triển khai thực hiện đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND thành phố trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị, nhiệm kỳ 2021 - 2026". Đề án với 10 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, qua đó đã tạo những chuyển biến tích cực, góp phần tăng niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thực thi pháp luật của chính quyền.
Tại hội nghị, lãnh đạo TP HCM và Hà Nội đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo. Mục tiêu của cả 2 thành phố là cùng hợp tác phát triển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của 2 thành phố, đóng góp vào sự nghiệp chung xây dựng và phát triển đất nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội của 2 địa phương phát triển nhanh và bền vững.
Làm tròn nghĩa vụ với cả nước
Chúc mừng những thành tựu, kết quả quan trọng mà Hà Nội đạt được qua giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ lần thứ 17 của TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá: "Trong bối cảnh chung với những tác động từ bên ngoài, kinh tế Hà Nội vẫn tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Điều này cho thấy sức bền, khả năng thích ứng và kinh tế thủ đô vẫn là điểm sáng về tăng trưởng".
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng TP HCM và Hà Nội có bổn phận và rủi ro giống nhau. "Trước bối cảnh thời cơ thuận lợi, khó khăn và tác động chung đặt ra những thách thức gần như nhau thì việc kết nối hợp tác, hỗ trợ nhau lúc này là rất quan trọng và cần thiết" - Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. Theo ông, mục đích của cuộc gặp mà cả TP HCM và Hà Nội muốn đạt được đó là trao đổi kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, vận hành, quản lý, tổ chức thực thi; chia sẻ những mặt làm được và chưa được; học hỏi lẫn nhau những điều hữu ích; xây dựng mối quan hệ lâu bền.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết trong thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn... nhưng TP HCM và Hà Nội đã vượt qua được các khó khăn, thách thức, thực hiện tốt mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Cũng theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, trong những năm gần đây, TP HCM và Hà Nội đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện và thu được những kết quả đáng mừng trên tất cả các lĩnh vực. Cả 2 thành phố luôn nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt vai trò trung tâm, hạt nhân của 2 vùng động lực phát triển, 2 trung tâm lớn về kinh tế, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ; tích cực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế; đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung, làm tròn nghĩa vụ với cả nước. Bí thư Đinh Tiến Dũng khẳng định tình cảm giữa Hà Nội và TP HCM là sự gắn kết máu thịt, tình nghĩa suốt chiều dài lịch sử, đồng lòng gánh vác những trách nhiệm to lớn mà Đảng và nhân dân giao phó. Đây cũng là tình cảm mong mỏi của hai miền đất nước. "Những bước đi của TP HCM và Hà Nội không chỉ là thành tựu, niềm vui của 2 thành phố mà còn là niềm mong mỏi, tự hào chung của cả nước" - Bí thư Đinh Tiến Dũng nói.
Bí thư Đinh Tiến Dũng cũng bày tỏ tin tưởng với sự quyết tâm của Ban Thường Thành ủy TP HCM và Hà Nội, trong thời gian tới, quan hệ hợp tác, phát triển giữa 2 thành phố sẽ đạt bước tiến mới, toàn diện và ngày càng hiệu quả. Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của 2 địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ của 2 thành ủy.
Sơ kết định kỳ một năm/lần
Tại Biên bản ghi nhớ, TP HCM và Hà Nội thỏa thuận trong quá trình thực hiện, nếu có bổ sung và điều chỉnh, UBND 2 thành phố chỉ đạo các sở, ngành và các đơn vị liên quan chủ động bàn bạc để đưa ra nội dung, hình thức hợp tác cụ thể và trình lãnh đạo 2 thành phố xem xét, quyết định. Đồng thời, định kỳ một năm/lần tổ chức sơ kết đánh giá kết quả tổ chức triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ, trong đó có đề xuất việc trao đổi, mời Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tham gia hội nghị định kỳ hằng năm.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính quyền đô thị
Trong thời gian tới, 2 địa phương sẽ đẩy mạnh hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cải cách hành chính; tăng cường hợp tác trong công tác quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin; đề xuất, triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù của trung ương đối với từng địa phương; công tác quy hoạch; xây dựng đô thị thông minh; sắp xếp tổ chức bộ máy, cải thiện môi trường đầu tư; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với thị trường bất động sản. TP HCM và Hà Nội cũng sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; các giải pháp cải thiện thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đẩy mạnh hoạt động trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau thực hiện tốt công tác quy hoạch và xây dựng mô hình chính quyền đô thị, quản lý đô thị. Công tác huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng...