Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Nên áp dụng giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục miễn giảm thuế, phí trong thời gian tới với liều lượng cao hơn, đối tượng mở rộng hơn
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 2-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) bày tỏ đồng tình với những đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 2021-2025 cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và những thẩm định khách quan, khoa học của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Với sự đồng hành năng động, linh hoạt của Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời trình các quyết định, thông qua chủ trương đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia.
Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng trong bối cảnh quốc tế hiện nay không thuận lợi, kết quả tăng trưởng kinh tế, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng so với bối cảnh chung của thế giới, thì "kết quả đó hết sức trân quý".
Nói về thu ngân sách, trong 3 năm qua, ngân sách nhà nước đã thu được hơn 5 triệu tỉ đồng, đạt 61% kế hoạch 5 năm. TP HCM vốn gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng trong 3 năm qua TP vẫn nỗ lực thu được hơn 1,3 triệu tỉ đồng để đóng góp vào 26% tổng thu ngân sách của cả nước.
"Nhân đây, một lần nữa cảm ơn Quốc hội đã giúp TP HCM có được Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, giúp TP tăng tốc trong thời gian tới" - đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã thông qua là tăng trưởng năm 2024, 2025 ở mức 6,5-7%, hướng đến vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. "Tuy nhiên nếu chúng ta không có chính sách mới quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn sẽ khó đạt được" - ông bày tỏ.
Vị đại biểu là chuyên gia kinh tế nhấn mạnh hiện nay nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường, người lao động mất việc, bị cắt giảm giờ làm. Ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục miễn giảm thuế, phí trong thời gian tới với liều lượng cao hơn, đối tượng mở rộng hơn, cụ thể, việc giảm thuế VAT nên áp dụng cho tất cả các mặt hàng.
Bên cạnh đó, cần rà soát các khoản chi trong Nghị quyết 43 để chuyển nguồn, chuyển đối tượng. Số tiền hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thông qua ngân hàng thương mại, cần bổ sung vào quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp này có thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, không nên hạ chuẩn điều kiện cho vay.
Cùng với đó, đại biểu cho rằng số tiền còn lại trong khoản hỗ trợ tiền thuê nhà, cần tiếp tục chi theo danh mục mà Chính phủ đã đề nghị cho các bệnh viện theo Tờ trình của Chính phủ. Cần kéo dài thời gian thực hiện các dự án đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, đồng thời, cần chuyển nguồn khoản kinh phí cho 3 dự án cao tốc quan trọng quốc gia mà Quốc hội đã cho ý kiến chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, cần tái cấp vốn, bảo lãnh trái phiếu trong nước để giúp Ngân hàng Chính sách xã hội có điều kiện mở rộng tín dụng cho các đối tượng yếu thế, người nghèo, người mất việc làm có thêm việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.