A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu Nguyễn Tạo: Có công trình kéo dài 4 khoá Quốc hội, 4 khoá Chính phủ

Nhiều đại biểu Đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng ý, thống nhất việc xây dựng, ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Ngày 23-6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Nhiều đại biểu (ĐB) QH đều bày tỏ đồng ý, thống nhất việc xây dựng, ban hành luật này.

ĐB Nguyễn Tạo: Có công trình kéo dài 4 khoá Quốc hội, 4 khoá Chính phủ - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng. Ảnh: Phạm Thắng

Phát biểu thảo luận, ĐBQH Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương có các công trình quốc phòng, khu quân sự đang tồn tại. Vì vậy, ĐB Nguyễn Tạo cho rằng việc nâng cấp từ pháp lệnh thành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là hợp lý.

Tuy nhiên, theo ĐB đoàn Lâm Đồng, quy định trong dự thảo luật còn chung chung, các quy phạm pháp luật mang tính khái niệm rất nhiều và tính khả thi sẽ không cao bởi vì phải chờ các văn bản hướng dẫn thi hành của các cơ quan như Chính phủ và Bộ Quốc phòng.

Có 3 nội dung lớn mà vị ĐB thấy còn băn khoăn, trăn trở, cần được tích hợp và đưa vào dự thảo luật một cách chặt chẽ, khoa học hơn. Một là một chế định liên quan đến công trình lưỡng dụng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhằm phát huy tổng hợp nền quốc phòng toàn dân khi đất nước có sự cố xảy ra.

ĐB Nguyễn Tạo đề nghị cần làm rõ khái niệm về công trình, dự án lưỡng dụng. Tại khoản 17 Điều 2 của dự thảo luật lần này thì quy định hết sức chung chung và sơ sài. ĐB Nguyễn Tạo cho rằng cần quy định chặt chẽ việc quy hoạch đầu tư, quản lý công trình lưỡng dụng này. Đề nghị nên luật hóa vào các chế định từ Pháp lệnh bảo vệ bí mật các công trình quốc phòng và quân sự kết hợp với Nghị định 164-2018. Nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội phải được đưa vào dự án luật lần này để cho rõ ràng vì chúng ta đang triển khai rất đồng bộ.

Vấn đề thứ hai ĐB nêu là do tầm quan trọng của các công trình, dự án quốc phòng cũng như khu quân sự trong điều kiện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì tính bảo vệ bí mật phải được nêu hết sức chặt chẽ ở trong dự luật lần này. ĐB Nguyễn Tạo cho hay theo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018 thì tại khoản 2 Điều 7 được quy định rõ về thông tin quốc phòng, an ninh và cơ yếu ở điểm c đã xác định rõ đó là công trình mục tiêu về quốc phòng, an ninh và điểm d khoản 5 điều 7 cũng đã quy định rõ về quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng.

Do đó, về quy trình đầu tư xây dựng công trình quốc phòng và khu quân sự cũng đã được quy định tại Luật Đầu tư công 2019 tại điều 4 và khẳng định tại điều 8 rõ ràng đó là công trình nhóm A, là dự án không phân biệt tổng mức vốn đầu tư là bao nhiêu, nhưng trong trường hợp tuyệt mật thì cũng được xác định đó là công trình nhóm A phải được bảo vệ bí mật, đó là dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, có mức độ tuyệt mật. Hai là dự án sản xuất độc hại, chứa nổ. Luật Đầu tư công cũng đã quy định về tiêu chí, về thủ tục, trình tự và quy trình triển khai thực hiện đối với các dự án liên quan đến các dự án quốc phòng và khu quân sự.

Do đó, vị ĐB Đoàn Lâm Đồng đề nghị dự án luật này cần phải đưa các chế định có liên quan đến độ bí mật, quy trình, trình tự, thủ tục đầu tư có liên quan đến công trình quốc phòng cũng như khu vực quân sự. Quy định chi tiết giao cho Chính phủ quy định nhằm khắc phục tình trạng bất cập trong thời gian qua xảy ra.

ĐB Nguyễn Tạo nêu ví dụ cụ thể về một công trình lưỡng dụng nằm bảo đảm quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội nhưng kéo dài tới 17 năm. Theo đại biểu, dư luận xã hội lên tiếng như vậy là lộ hết bí mật quốc gia, một công trình kéo dài 17 năm, qua 4 khóa QH, 4 khóa Chính phủ, như thế là không hợp lý.

Vấn đề thứ ba, theo ĐB Nguyễn Tạo là về quản lý, sử dụng đất, vì tất cả các công trình, dự án quốc phòng và khu quân sự đều nằm trên đất đai, vấn đề này phải được làm rõ ở trong dự án luật lần này, được tính chung vào là đất an ninh, quốc phòng. Nên cân nhắc kết hợp với các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) mà chúng ta đã thảo luận, đề cập ở điều 78 về mục đích sử dụng đất và đã quy định chế định cụ thể các tiêu chí rất chặt chẽ ở điều 200 của dự thảo Luật Đất đai.

"Chúng ta đã tích hợp vào rồi thì lần này tôi tha thiết đề nghị chúng ta phải đưa vào trong dự án luật này để làm rõ hơn quy hoạch quản lý, sử dụng các dự án quốc phòng và khu vực quân sự phải bảo đảm đúng theo tinh thần của Luật Đất đai. Nên cân nhắc tích hợp các quy định của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đó là quy định ở điều 78 vì mục đích và điều 200 của dự án luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng quỹ đất về an ninh, quốc phòng" - ĐB Nguyễn Tạo nêu.

Theo ĐB Nguyễn Tạo, trong luật đã xác định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định quản lý, sử dụng đất quốc phòng trên địa bàn mình quản lý, để khắc phục tình trạng lấn chiếm trong thời gian vừa qua và phá hủy các công trình quân sự.

Ngoài ra, khi có yêu cầu thu hồi đất quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, theo Luật Quy hoạch, Luật Đất đai và các luật chuyên ngành khác, việc xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ như thế thì việc chuyển đổi mục đích giữa đất quốc phòng sang làm nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương phải có quy trình chặt chẽ, nếu quy định như hiện hành hiện nay thì rất khó và kéo dài thời gian, từ đó sẽ dẫn đến tiêu cực, phát sinh khiếu nại đông người, tài sản lãng phí rất lớn, do đó đề nghị lần này về quản lý đất đai chúng ta tích hợp ở điều 200 của Luật Đất đai (sửa đổi) vào điều 78.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :