A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

COVID-19: Một số nước tăng trên 1.000%, WHO lại nhắc Việt Nam

Trong chu kỳ 28 ngày qua, toàn cầu tiếp tục ghi nhận thêm hơn 2,77 triệu ca mắc mới và 16.615 ca tử vong mới do COVID-19, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Con số này tương đương với mức giảm 23% số ca mắc mới và giảm 36% số ca tử vong mới, do sự "hạ nhiệt" ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ; tuy nhiên hầu hết châu Á (địa lý) lại "ngược chiều", theo báo cáo dịch tễ mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO sáng 28-4.

COVID-19: Một số nước tăng trên 1.000%, WHO lại nhắc Việt Nam - Ảnh 1.

Biểu đồ về số ca mắc từng khu vực và tử vong do COVID-19 từ đầu đại dịch đến nay - Ảnh: WHO

Khu vực báo cáo nhiều ca COVID-19 nhất vẫn là châu Âu với hơn 1 triệu ca mắc mới và 6.679 ca tử vong mới, giảm lần lượt 34% và 38%.

Khu vực báo cáo số ca nhiều thứ ba là châu Mỹ với hơn 729.000 ca mắc mới và 7.204 ca tử vong mới, giảm lần lượt 35% và 33%.

Khu vực dịch tễ đứng thứ hai là Tây Thái Bình Dương gây chú ý bởi sự phân cực rõ ràng, cũng là khu vực mà WHO xếp Việt Nam vào. Khu vực này báo cáo hơn 768.000 ca mắc mới và 1.174 ca tử vong mới, giảm lần lượt 15% và 68%.

Sự "hạ nhiệt" mạnh mẽ tiếp tục ghi nhận ở Trung Quốc, quốc gia đã chịu một làn sóng mới từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay.

Tuy nhiên, trên bản đồ thể hiện sự thay đổi về tỉ lệ số ca mắc mới so với chu kỳ 28 ngày trước đó, màu đỏ - tức tăng mạnh - bao trùm nhiều đảo quốc và quốc gia ven biển.

COVID-19: Một số nước tăng trên 1.000%, WHO lại nhắc Việt Nam - Ảnh 2.

WHO tiếp tục tô màu cam, đỏ (tăng và tăng mạnh số ca COVID-19) hầu hết châu Á địa lý, tương ứng với một phần các khu vực dịch tễ Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái BÌnh Dương - Ảnh: WHO

Có 29% quốc gia và vùng lãnh thổ Tây Thái Bình Dương báo cáo mức tăng số ca mắc mới lên hơn 20%. Trong đó mức tăng cao nhất báo cáo từ Việt Nam (15.805 ca trong 28 ngày, tăng 5.029% so với 309 ca của chu kỳ trước, tiếp theo là Kiribati (1000%), Mông Cổ (tăng 486%).

Tuy nhiên, số ca nhiều nhất khu vực vẫn là Hàn Quốc với hơn 305.000 ca (tăng 13%), Nhật Bản với hơn 217.000 ca (giảm 8%) và Úc (hơn 80.000 ca, giảm 9%).

Khu vực dịch tễ Đông Nam Á báo cáo số ca hạn chế do xét nghiệm không phổ biến như 3 khu vực kia, nhưng về tỉ lệ thì số ca mắc mới tăng tới 666%, số ca tử vong tăng 305%, cao nhất thế giới. 

64% quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực vực này báo cáo số ca tăng trên 20%. Cao nhất về tỉ lệ là là Nepal (1557%), Madives (1105%), Ấn Độ (938%). Cao nhất về số ca mới là Ấn Độ với 187.842 ca, Indonesia với 19.907 ca (tăng 936%) và Thái Lan (1.858 ca, tăng 211%).

Khu vực dịch tễ Đông Địa Trung Hải, bao gồm Tây Á và Bắc Phi địa lý, báo cáo số ca mắc mới tăng 41% và số ca tử vong mới tăng 80%; 41% số quốc gia và vùng lãnh thổ tăng trên 20%.

Tăng mạnh nhất về tỉ lệ là Afghanistan, Morocco, Ả Rập Saudi; trong khi số ca cao nhất được báo cáo là Iran, Quatar và Ả Rập Saudi.

Châu Phi báo cáo số ca không đáng kể.

Số ca nhập viện và tử vong toàn thế giới tiếp tục giảm mạnh bất chấp mức tăng mạnh mẽ ở các khu vực nói trên, chủ yếu do các biến chủng ưu thế là thuộc dòng XBB - bao gồm XBB.1.5, XBB.1.16, XBB.1.9... - tuy có khả năng thoát miễn dịch mạnh và lây lan nhanh, nhưng được WHO đánh giá là không thay đổi về độc lực (tức khả năng gây bệnh nặng và tử vong).

Picture3

BIểu đồ thể hiện số ca mới (cột màu xám), số ca tử vong (màu vàng) và số ca nhập viện (màu xanh) ghi nhận từ đầu đại dịch đến nay cho thấy mức giảm sâu số người nhập viện và tử vong do COVID-19 - Ảnh: WHO


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :