A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 21/7: Kiểm soát kinh doanh xăng dầu

Công Thương qua góc nhìn báo chí, các chủ đề: Thị trường, công nghiệp, thương mại, năng lượng được nhiều tờ báo đề cập trong này 21/7.

Liên quan đến chủ đề thị trường, Báo điện tử BnewS của Thông tấn xã Việt Nam có bài “Kiểm soát, phát hiện hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu”.

Tác giả bài báo trích lời ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương): Xác định xăng dầu là mặt hàng trọng điểm trong kiểm tra kiểm soát, do đó, từ nay đến cuối năm lực lượng sẽ giám sát chặt chẽ đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để kịp thời phát hiện hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu. Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường cả nước sẽ xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; những tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng vi phạm.

Theo ông Trần Hữu Linh, trước tình hình giá xăng dầu biến động, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã ra quân kiểm tra chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường coi xăng dầu là mặt hàng trọng tâm, trọng điểm để kiểm tra, xử lý. Vì vậy, 6 tháng qua, lực lượng thường xuyên túc trực, kiểm tra, kiểm soát gần 17.000 cây xăng trên cả nước, nhất là vào những thời điểm chuẩn bị điều hành giá xăng dầu.

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 21/7: Kiểm soát kinh doanh xăng dầu

Bên cạnh việc kiểm tra tình trạng găm hàng, bán hàng không đúng giá, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng xăng dầu

Cũng về chủ đề thị trường, Báo Giao thông sáng nay đăng tải bài viết liên quan đến việc Grab thu phụ phí nắng nóng gây bức xúc trong dư luận những ngày gần đây “Thu phí nắng nóng: Grab xin "khất" báo cáo trước yêu cầu của Bộ Công Thương”.

Nội dung bài báo đăng, Bộ Công Thương cho biết, trước việc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) yêu cầu Grab có văn bản báo cáo chi tiết về việc phụ thu phí nắng nóng, thời hạn báo là trước ngày 18/7. Song, hiện tại, Grab vẫn chưa có báo cáo và đang “xin lùi thời hạn báo cáo” vào cuối tháng.

Chủ đề thương mại cũng là chủ đề được nhiều báo chí quan tâm trong ngày 21/7. Báo Quốc tế có bài “Thương mại điện tử - mảnh đất màu mỡ kinh doanh hàng giả, hàng nhái và lừa đảo”.

Bài báo viết, thương mại điện tử đang là mảnh đất màu mỡ, khiến nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc và cả hàng cấm. Thậm chí nhiều đối tượng kinh doanh còn trả phí cho Facebook, Google... để quảng cáo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí lừa đảo khách hàng.

Để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái tác động đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tục vào cuộc đấu tranh trấn áp các hoạt động gian lận thương mại trên môi trường điện tử, phát hiện hàng nghìn thương hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ hoặc kém chất lượng và thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ ra khỏi sàn thương mại điện tử.

Cụ thể, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử; xây dựng bộ tài liệu phục vụ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng "Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025" với nhiều nội dung và giải pháp đồng bộ, có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan.

Cũng về thương mại điện tử, tuy nhiên Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) lại đăng bài về vấn đề logistics “Làm thế nào để giảm chi phí cho logistics trong thương mại điện tử?”.

Tác giả bài báo dẫn lời từ ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, để giải bài toán về chi phí logistics, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc một số doanh nghiệp liên kết với nhau có thể xây dựng những kho vệ tinh ở khu vực từng huyện hoặc một số huyện, từ đó giúp giảm thời gian mà người giao hàng phải luân chuyển quá xa.

“Đấy cũng là một giải pháp để giảm chi phí trong tương lai. Và nếu công nghệ phát triển hơn, việc sử dụng các giải pháp tự động giao hàng như drone (máy bay không người lái) cũng rất tốt vì sẽ giúp rút ngắn quá trình di chuyển và đặc biệt các công nghệ như vậy vẫn có thể hoạt động mà không phụ thuộc vào địa hình, kể cả ở khu vực miền núi”, ông Hải nhận định.

“Tạo đột phá thông qua Dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh” là bài viết đang trên trang nhất của Báo điện tử VietnamPlus sáng nay.

Bài báo viết, theo đại diện Bộ Công Thương, sau gần 3 tháng thực hiện (12/4-7/7), Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 1 đã gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng. Các chuyên gia tư vấn Việt Nam đã cùng các chuyên gia tư vấn của Samsung Hàn Quốc, trực tiếp tham gia khảo sát, đánh giá và tư vấn các doanh nghiệp tại hiện trường.

Dự án đã hỗ trợ tư vấn phát triển mô hình nhà máy thông minh cho 14 doanh nghiệp, bao gồm 7 doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh, 2 doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc, 3 doanh nghiệp tại Hà Nội, 1 doanh nghiệp tại tỉnh Hưng Yên và 1 doanh nghiệp tại tỉnh Hà Nam và đạt nhiều kết quả cải tiến khả quan.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :